Phố Wall những phiên gần đây trồi sụt do cổ phiếu năng lượng - Ảnh: Reuters

Phố Wall những phiên gần đây trồi sụt do cổ phiếu năng lượng - Ảnh: Reuters

Dầu lại “thiêu cháy” chứng khoán

(ĐTCK) Giá dầu thô lao dốc trở lại đã khiến chứng khoán châu Âu quay đầu, trong khi cả 3 chỉ số chính của phố Wall cùng giảm sâu. Giá vàng cũng bị chịu áp lực từ lực bán tháo trên thị trường dầu thô.

Trong khi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm lại với các dữ liệu vừa công bố mới đây từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, thì kinh tế Mỹ lại liên tiếp có những tín hiệu khả quan, trở thành đầu tàu kéo kinh tế thế giới.

Sau dữ liệu việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước, theo thông tin mới nhất, nhiều khả năng GDP trong quý III của Mỹ sẽ được điều chỉnh tích cực hơn con số công bố ban đầu khi tín hiệu tích cực phát đi từ lĩnh vực tiêu dùng dịch vụ.

Theo khảo sát của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu dịch vụ tăng mạnh hơn dự báo của Chính phủ. Các nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng dịch vụ quý III có thể được điều chỉnh tăng thêm 2 điểm phần trăm so với con số 2,2% được công bố trước.

Điều đó kết hợp với dữ liệu về hàng tồn kho bán buôn và chi tiêu xây dựng tích cực, có thể thấy, GDP quý III sẽ được điều chỉnh tăng lên ít nhất là 4,6% từ mức 3,9% đã được báo cáo trong tháng 11.

Dù nhận thông tin tích cực từ kinh tế, nhưng với việc giá dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 năm đã kéo cổ phiếu năng lượng lao dốc, qua đó khiến phố Wall có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/10.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones giảm 268,05 điểm (-1,51%), xuống 17.533,15 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,68 điểm (-1,64%), xuống 2.026,14 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 82,44 điểm (-1,73%), xuống 4.684,03 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ giá dầu giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Âu. Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba, chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch khả tích cực ngày thứ Tư, nhưng khi giá dầu lao dốc, nhóm cổ phiếu năng lượng và dịch vụ dầu mỏ giảm mạnh theo, kéo chứng khoán châu Âu quay đầu đảo chiều. Ngoài ra, cổ phiếu của Airbus cũng giảm mạnh khi hãng sản xuất máy bay này hoãn kế hoạch giao máy bay A350.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,43 điểm (-0,45%), xuống 6.500,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 6,02 điểm (+0,06%), lên 9.799,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 36,03 điểm (-0,84%), xuống 4.227,91 điểm.

Sau phiên bị bán tháo đồng loạt ngày thứ Ba, chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Cơ sở cho kỳ vọng này càng tăng lên khi lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng ở mức thấp nhất 5 năm trong tháng 11.

Trong khi đó, việc nhà đầu tư ồ ạt tìm đến đồng yên Nhật như là kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro trước dữ liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc và lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp khiến đồng yên tăng mạnh so với đồng USD. Trong phiên thứ Tư, đồng USD giảm 1,47% so với đồng yên Nhật, xuống 117,93 yên. Việc đồng yên tăng mạnh đã khiến chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 400,8 điểm (-2,25%), xuống 17.412,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,69 điểm (+0,16%), lên 23.524,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 83,74 điểm (+2,93%), lên 2.940,01 điểm.

Giá vàng cũng giảm nhẹ trở lại từ mức cao nhất 7 tuần trước áp lực từ giá dầu, bất chấp việc đồng USD giảm mạnh trở lại.

Kết thúc phiên 10/12, giá vàng giao ngay giảm 6,30 USD (-0,51%), xuống 1.226,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 2,6  USD (-0,21%), xuống 1.229,4 USD/ounce.

Lo ngại về cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp, cũng như sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, chỉ sau phiên hồi nhẹ thứ Ba, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư. Giá dầu thô có lúc xuống 63,56 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009 trước khi hãm bớt đã giảm vào cuối phiên.

Trong báo cáo hàng tháng của mình mới đây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo nhu cầu dầu đối với tổ chức này trong năm 2015 xuống còn 28,92 triệu thùng/ngày, giảm 280.000 thùng/ngày so với kỳ vọng trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi, một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất của OPEC khẳng định, nước này không có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 10/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,88 USD/thùng (-4,51%), xuống 60,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,6 USD (-3,89%), xuống 64,24 USD/thùng.

Tin bài liên quan