Đâu là vấn đề lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu đã đối mặt với lạm phát tăng mạnh mất kiểm soát trong năm 2022 sau nhiều năm lạm phát thấp. Nhưng lạm phát có thể sẽ được kiểm soát và nhường chỗ cho nỗi lo thất nghiệp trong năm tới.
Đâu là vấn đề lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong năm 2023

Vào cuối năm 2019, John Williams, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã nói rằng: “Lạm phát thấp thực sự là vấn đề của thời đại này”, và đây cũng là quan điểm được tán thành rộng rãi vào thời điểm đó. Nhưng hiện nay, gần như mọi quốc gia trên thế giới đều phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng vọt vào năm 2022. Tình hình gần như chắc chắn sẽ cải thiện trong năm tới, nhưng tăng trưởng kinh tế phải trả giá đắt.

Điều khiến năm 2022 trở nên khác thường là mức độ áp lực về giá. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ kết thúc năm nay ở mức khoảng 9%. Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, lạm phát cao là một thách thức thường xuyên. Nhưng lần cuối cùng mà lạm phát tăng cao như vậy ở các nước giàu có là vào đầu những năm 1980. Ở Mỹ, giá tiêu dùng đang trên đà tăng khoảng 7% vào năm 2022, mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Ở Đức, lạm phát sẽ kết thúc năm nay ở mức gần 10%, lần lạm phát hai con số đầu tiên kể từ năm 1951.

Các yếu tố phổ biến thúc đẩy lạm phát ở khắp mọi nơi là chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt. Giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng đã có xu hướng tăng vào đầu năm 2022 do tác động kéo dài của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng. Xung đột Nga-Ukraine thậm chí còn gây rối hơn. Giá dầu tăng hơn 30% khi các nước phương Tây trừng phạt Nga. Giá lương thực cũng tăng mạnh do chi phí phân bón và vận chuyển cũng như việc Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Về mặt kinh tế, điều này tương đương với một cú sốc cổ điển từ phía cung. Việc tăng giá đột ngột đối với các mặt hàng chủ chốt đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn thế giới. Châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào khí đốt của Nga và hàng triệu người sẽ phải cố gắng để đủ khả năng sưởi ấm trong mùa đông này vì Nga hạn chế nguồn cung khí đốt. Trên tất cả các khu vực, lương thực và nhiên liệu chiếm trung bình hơn một nửa lạm phát vào năm 2022.

Lạm phát không chỉ là một hiện tượng từ phía cung, mà sự phát triển đáng lo ngại nhất đối với các ngân hàng trung ương là áp lực giá đã thấm vào các phần “cốt lõi” của chỉ số giá cả - đó là hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động mạnh. Đây là một dấu hiệu cho thấy lạm phát đang có động lực của riêng nó.

Ngoài những nguyên nhân lạm phát là do cú sốc dầu mỏ, nhiều quốc gia hiện có thị trường lao động cực kỳ thắt chặt, do một phần là kết quả của làn sóng nghỉ hưu sớm trong thời kỳ Covid. Kết quả là các công ty đang trả lương cao hơn để thu hút người lao động, làm tăng thêm đà lạm phát.

Ở Mỹ, một nguyên nhân góp phần gây nên lạm phát là các gói kích thích tiền tệ quá mức của cả chính phủ và Fed ở đỉnh điểm của Covid. Trong phần lớn thời gian của năm 2022, điều đó dẫn đến nhu cầu quá nóng, với chi tiêu cá nhân thực tế cao hơn xu hướng trước đại dịch. Đáng chú ý, nền kinh tế lớn có lạm phát thấp nhất là Trung Quốc. Chiến lược Zero Covid của nước này đã đẩy chi tiêu xuống thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch.

Hầu hết mọi quốc gia đều có lo lắng rằng giá cả tăng sẽ đặt lại kỳ vọng lạm phát của mọi người, khiến họ yêu cầu được trả lương cao hơn. Được biết đến như một vòng xoáy giá tiền lương, một động lực như vậy sẽ khiến lạm phát khó loại bỏ hơn nhiều. Fed đang là ngân hàng trung ương tích cực nhất trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, với mức tăng lãi suất từ 0% vào tháng 3 lên hơn 4% hiện nay, là lần thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong bốn thập kỷ.

Một cách nhìn về triển vọng lạm phát năm 2023 là cuộc đấu tay đôi giữa nguồn cung phục hồi và nhu cầu giảm. Có nhiều khả năng là một số yếu tố thúc đẩy lạm phát vào đầu năm 2022 đã bắt đầu giảm dần. Giá hàng hoá tiêu dùng đã giảm khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Giá dầu đã giảm trở lại mức cách đây một năm, một phần nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn hoạt động bằng cách bóp nghẹt nhu cầu và điều đó cũng đang bắt đầu xảy ra.

Ngoài ra, các lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: thị trường bất động sản từng nóng sốt nay trở nên đóng băng với các giao dịch cạn kiệt. Nếu sự phục hồi của nguồn cung đủ lớn và đủ nhanh, các ngân hàng trung ương có thể ngừng thắt chặt trước khi gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc.

Nhưng tại thời điểm này, có vẻ như nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ gây thiệt hại thực sự cho nền kinh tế toàn cầu. Vào năm 2023, nỗi lo về lạm phát có thể nhường chỗ cho nỗi lo về thất nghiệp.

Tin bài liên quan