Bắt đầu hoạt động từ tháng 10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang kiện toàn công tác nhân sự. Theo ông, có điểm nào cần lưu ý ở đây?
Có 2 điểm cần nhấn mạnh khi thành lập Ủy ban, thứ nhất là khắc phục được tình trạng vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hai nhóm công việc này có tính chất rất khác nhau.
Ông Phan Đức Hiếu.
Chức năng quản lý nhà nước là xây dựng chính sách phát triển nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói chung. Đôi khi, có thể gây ra suy nghĩ rằng, cơ quan quản lý nhà nước không khách quan, nhiều khi họ xây dựng chính sách và thực hiện công việc theo hướng giành thuận lợi cho mình, giành việc dễ hơn cho mình.
Tách được chức năng quản lý nhà nước và chức năng quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là một bước đi lớn.
Nhưng mặt khác, cần lưu ý là chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước mang tính chất doanh nghiệp hơn chức năng xây dựng chính sách, đòi hỏi chuyên môn sâu và tính chuyên nghiệp trong kinh doanh. Việc này rất khác xây dựng chính sách và giám sát việc thực thi chính sách.
Như vậy, bản thân các doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban có chịu tác động và sự thay đổi mang tính bước ngoặt nào hay không?
Thay đổi trong các doanh nghiệp sẽ gắn nhiều với quản trị doanh nghiệp. Thực tế trong công tác quản trị doanh nghiệp, có vai trò rất lớn của bộ máy quản lý doanh nghiệp như hội đồng thành viên, ban điều hành, nhà đầu tư vào doanh nghiệp.
Ở các doanh nghiệp tư nhân là các cá nhân đi kinh doanh, họ lập doanh nghiệp, thiết lập bộ máy quản lý, cách thức quản trị doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp nhà nước, người đầu tư là Chính phủ, trước đây quản lý vốn giao cho các bộ, nay giao cho Ủy ban, với mục tiêu đây là cơ quan có năng lực chuyên môn cao, có tính chuyên môn sâu về kinh doanh.
Việc chuyển quản lý vốn nhà nước trước đây từ các bộ sang cơ quan mới là Ủy ban giúp cho vốn nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung với chuyên môn cao, chuyên nghiệp.
Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp không có thay đổi về hoạt động kinh doanh, mà là cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu, làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nếu còn sẽ hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi chuyên môn sâu, mang tính chất giống như một nhà đầu tư.
Ông nhiều lần nhấn mạnh đến đòi hỏi về chuyên môn sâu, tính chuyên nghiệp. Vậy làm thế nào để Ủy ban có thể tập hợp được đội ngũ nhân sự đáp ứng được những yêu cầu rất cao này?
Đây là một thách thức của Ủy ban. Với vị trí, mục tiêu thành lập, đòi hỏi để Ủy ban thực hiện thành công những nhiệm vụ của mình, thì năng lực chuyên môn rất quan trọng.
Tuy nhiên, Ủy ban lại được thiết lập địa vị pháp lý thuộc Chính phủ. Làm thế nào để có cơ chế, có thể thu hút được nhân lực có chất lượng? Đây là thách thức, nhưng không phải cứ cơ quan nhà nước là không thể thu hút được nhân sự chất lượng cao
Nếu Ủy ban hoạt động với mục tiêu nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động, đảm bảo tạo ra môi trường làm việc tốt, có thể thu hút được nhân sự tốt cho Ủy ban.
Bởi vậy, trong giai đoạn đầu này, có lẽ Ủy ban cần củng cố về năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự. Nên ưu tiên thực hiện bài bản, chuyên nghiệp như quy định vị trí công việc, bảng mô tả công việc cụ thể, thi tuyển công khai, minh bạch, tạo ra môi trường làm viêc lành mạnh, tạo động lực làm việc, khuyến khích nhân sự giỏi…
Trước đây, ở mô hình SCIC cũng có không ít những lo ngại về yếu tố quan trọng này, vì nếu không có cơ chế phù hợp với mặt bằng chung của thị trường, việc thu hút nhân sự vừa có chuyên môn cao, vừa chuyên nghiệp quả thực rất khó khăn?
Đã có nhiều người hỏi tôi về thách thức lớn nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là gì? Có nhiều vấn đề mà Ủy ban phải vượt qua, nhưng theo tôi, thách thức lớn nhất vẫn là nhân lực.
Nếu không có cơ chế khuyến khích tài chính sẽ là khó khăn cho Ủy ban, vì ngoài cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc, nhân sự giỏi cũng rất chú trọng đến yếu tố cơ chế đãi ngộ. Nhìn rộng hơn, đây không chỉ là thách thức của riêng Ủy ban, mà là thách thức chung của các cơ quan nhà nước.