Hoạt động khoan dầu khí đang diễn ra sôi động trên phạm vi toàn cầu.

Hoạt động khoan dầu khí đang diễn ra sôi động trên phạm vi toàn cầu.

Dầu khí: Nhóm khai thác vượt lên!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh kinh doanh ngành dầu khí có sự khác biệt lớn giữa các phân khúc trong nửa đầu năm 2023.

Lợi nhuận PV Drilling, PTSC đảo chiều tăng

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) cho biết, kết thúc tháng 6/2023, doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh cả năm, với lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng.

Trong quý I/2023, PV Drilling ghi nhận lãi sau thuế 52,3 tỷ đồng. Như vậy, quý II vừa qua, doanh nghiệp lãi khoảng 48 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 73,8 tỷ đồng).

Ông Cường cho biết thêm, PV Drilling đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan. Nhu cầu giàn khoan tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, nên đơn giá dịch vụ tăng cao so với năm 2022, đối với các hợp đồng dài hạn mới ký kết ghi nhận mức tăng 30 - 40%.

Tại Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS), Tổng giám đốc Lê Mạnh Cường cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, PTSC ước đạt doanh thu hợp nhất 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 440 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, trong quý II/2023, PTSC đạt doanh thu khoảng 3.494,7 tỷ đồng, giảm hơn 8%, song lãi trước thuế khoảng 173 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 153% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, PTSC đặt kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 13.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 780 tỷ đồng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVGas, PVOil: “Quay xe”

Sản xuất, phân phối xăng dầu, khí là nhóm có kết quả kinh doanh rực rỡ trong năm 2022 nhờ giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, giá dầu thế giới có diễn biến điều chỉnh. Tính đến cuối tháng 6, giá dầu Brent dao động quanh mức 75 USD/thùng, giảm hơn 11% so với đầu năm nay và giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo FiinTrade, trong quý II/2023, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) có thể ghi nhận 373,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức thấp nhất kể từ quý III/2020, giảm 96,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 77% so với quý đầu năm nay.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Lọc hoá dầu Bình Sơn ước đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, giảm gần 84% so với cùng kỳ, nhưng thực hiện vượt kế hoạch cả năm do doanh nghiệp đề ra mục tiêu ở mức thấp (1.721,5 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas, mã chứng khoán GAS) ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2023, PVGas đạt 6.035 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 30% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lợi nhuận quý II/2023 là 2.618,2 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Năm 2023, PVGas dự kiến đạt tổng doanh thu 89.496 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.412 tỷ đồng (vượt 59% kế hoạch).

Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, mã chứng khoán OIL) công bố, sản lượng kinh doanh xăng dầu trong nửa đầu năm 2023 đạt 2.465 nghìn m3/tấn. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 43.478 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 470 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 52% so với cùng kỳ.

Tính ra, trong quý II/2023, PVOil mang về khoảng 22.939 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% và 185,4 tỷ đồng lợi trước thuế, giảm 70% so với quý II/2022.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của PVOil là đạt doanh thu hợp nhất 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng.

PLX: Lãi đột biến nhờ thoái vốn

Nằm trong nhóm phân phối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) được FiinTrade ước tính đạt hơn 515 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2023, giảm 22,8% so với quý I, nhưng tăng 466% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrolimex lãi sau thuế khoảng 1.182 tỷ đồng, tăng 292% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng lợi nhuận trên nhiều khả năng đến từ thương vụ thoái vốn khỏi PG Bank vào tháng 4/2023. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của công ty mẹ Petrolimex, khoản đầu tư vào PG Bank có giá gốc 1.078 tỷ đồng. Với việc thu về 2.568 tỷ đồng sau khi hoàn tất thoái vốn, Petrolimex có thể ghi nhận 1.490 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính cho công ty mẹ trong quý II/2023.

Triển vọng ngành nửa cuối năm 2023

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023 của các doanh nghiệp dầu khí sẽ không có nhiều khác biệt so với nửa đầu năm.

Năm 2023, PV Drilling và PTSC có sự đảo chiều rất rõ so với năm 2022 khi 2 quý đầu năm nay liên tục lãi lớn, đặc biệt là PV Drilling chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi nhờ giá thuê giàn tăng, ký được nhiều hợp đồng thuê giàn với đơn giá 120.000 USD/ngày. Trước đó, giá cho thuê giàn khoan tự nâng của PV Drilling đạt trung bình 70.000 USD/ngày.

Đối với PTSC, ông Bình đánh giá, triển vọng cần nhìn dài hạn hơn. Doanh nghiệp này đang thực hiện một số dự án điện gió ngoài khơi, đi đúng xu thế sắp tới của Việt Nam. Với việc đã có kinh nghiệm, PTSC dự kiến sẽ tiếp tục tham gia các dự án điện gió, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong tương lai.

Đặc biệt, các doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí có một động lực rất lớn đến từ siêu dự án Lô B - Ô Môn, dự kiến sẽ mang lại khối lượng công việc khổng lồ trong dài hạn cho các doanh nghiệp như PV Drilling, PTSC. Bên cạnh đó, PVGas sẽ được hưởng lợi khi có thêm khí cung cấp cho các nhà máy điện, đạm.

Với nhóm sản xuất, phân phối dầu khí, ông Trương Quang Bình cho rằng, các doanh nghiệp sẽ khó có được lợi nhuận đột biến trong năm nay, vì lợi nhuận chủ yếu đến từ chênh lệch giá dầu. Với nhận định giá dầu không có nhiều biến động, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến như các năm trước.

Vị chuyên gia của Yuanta nhìn nhận, giá dầu quanh mức 70 USD/thùng là hợp lý. Diễn biến giá dầu phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu. Các nền kinh tế này đang có rủi ro suy thoái, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, nên giá dầu khó tăng. Nếu vượt qua được giai đoạn này, giá dầu có thể tăng trở lại.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức, Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam dự báo, nguồn cung giảm cùng với nhu cầu giảm sẽ giúp giá dầu Brent ổn định ở vùng giá 70 - 80 USD/thùng trong tháng 7/2023, sau đó mở rộng trong khoảng 65 - 85 USD/thùng.

Giá dầu Brent đã giảm về mức trước cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn cao hơn giai đoạn 2015 - 2021.

Giá dầu Brent đã giảm về mức trước cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn cao hơn giai đoạn 2015 - 2021.

Mới đây, hai nhà xuất khẩu dầu lớn là Saudi Arabia và Nga thông báo sẽ cắt giảm lượng dầu cung ứng cho thị trường trong tháng 8/2023. Bên cạnh đó, tổng lượng cắt giảm dầu cam kết của các nhà sản xuất dầu OPEC+ sắp tới lên đến 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương 5% nhu cầu toàn cầu. Ngoài ra, châu Âu được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt vào mùa đông tới và phải cạnh tranh nhập khẩu khí hoá lỏng từ châu Á. Đây là những yếu tố có thể thúc đẩy giá dầu tăng.

Ngược lại, lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt liên tục tăng, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed chưa có ý định dừng tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, còn kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự kiến sẽ gây áp lực kéo dài lên thị trường dầu mỏ.

So với giá dầu từ đầu năm 2021 trở về trước, kết quả kinh các doanh nghiệp dầu khí năm 2023 nhìn chung vẫn khả quan nhờ giá cao hiện tại.

Tin bài liên quan