Tại thị trường trong nước, hôm nay (16/4), giá vàng được điều chỉnh tăng mạnh lúc đầu ngày so với ngày hôm qua nhờ ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, tuy nhiên, lại bị điều chỉnh giảm trong ngày.
Lúc đầu ngày, vàng SJC niêm yết ở 35,15 – 35,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 60.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 20.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, mua vào – bán ra ở mức 35,13 – 35,23 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc 8h30 sáng nay mua vào – bán ra ở mức 31,72 – 32,17 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 250.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá giảm nhẹ 90.000 đồng/lượng mỗi chiều, mua vào – bán ra ở mức 31,63 – 32,08 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở 21.575 – 21.635 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 10 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Trái ngược với Vietcombank, tại thị trường tự do, giá USD giảm 10 đồng cả 2 chiều mua vào - bán ra so với ngày hôm qua, hiện giao dịch ở 21.640 - 21.655 VND/USD.
Tại thị trường châu Á, nhờ trợ lực từ đà tăng ở phiên Mỹ cũng như mối lo ngại về kinh tế Trung Quốc, giá vàng luôn giao dịch ở mức cao và giữ xu hướng tăng trong suốt phiên.
Trên sàn Hồng Kông, giá vàng mở cửa ở 1.201,50 USD/ounce, ngay sau khi mở phiên, vàng nhanh chóng tăng giá và đạt đỉnh ở 1.207,50 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với giá mở cửa, và chốt phiên tại 1.204,80 USD/ounce, tăng nhẹ so với giá mở cửa.
Các số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho biết GDP của nước này trong 3 tháng đầu năm tăng 7%, so với cùng kỳ năm ngoái, đúng như dự đoán của chính quyền Bắc Kinh, tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến đợt bán ra mạnh mẽ bởi các tin kinh tế xấu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chững lại có thể khiến Ngân hàng trung ương nước này tiếp tục phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng tăng mạnh trở lại nhờ vào các dữ liệu xấu về kinh tế Mỹ liên tục được công bố. Những số liệu đáng thất vọng này khiến đồng USD giảm nhẹ trở lại so với phiên trước đó, giúp tạo nên lực hồi phục ngắn hạn đối với vàng.
Trên sàn New York, giá vàng mở cửa ở 1.190,90 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá tăng nhanh và liên tục, đạt đỉnh ở 1.203 USD/ounce, tăng 12,1 USD/ounce so với giá mở cửa, sau đó giảm nhẹ và chốt phiên tại 1.201,50 USD, có một phiên tăng điểm mạnh so với ngày giao dịch trước đó.
Giá vàng giao sau tháng 6 trên sàn Comex đã tăng 4,2 USD/ounce, chốt phiên tại 1.1968,20 USD/ounce.
Số liệu sản xuất công nghiệp tại Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó, trong khi khảo sát về ngành sản xuất của Empire State cũng cho thấy các dấu hiệu chững lại trong khu vực này. Gần đây, giới đầu tư tin rằng, cho dù số liệu về kinh tế Mỹ có tiếp tục tụt dốc thêm thì Cục dự trữ liên bang (Fed) vẫn sẽ nâng lãi suất dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, đa số tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 6 tới.
Thêm một yếu tố khác tác động tới thị trường vàng chính là giá dầu thô trên thế giới. Hôm nay, giá dầu mỏ đã lên mức cao nhất trong 10 tuần qua, dấu hiệu mới nhất cho thấy giai đoạn đen tối nhất của giá dầu có lẽ đã qua. Hiện tại, giá dầu vẫn đang giữ xu hướng tăng giá và có nhiều giao dịch trong ngày. Nếu giá dầu có thể vượt qua mức đáy, các thị trường nguyên liệu thô và kim loại quý khác, trong đó có vàng, sẽ nhận được ảnh hưởng tích cực để có được xu hướng tăng cao hơn.