Dấu hỏi về một số khoản ủy thác đầu tư

Dấu hỏi về một số khoản ủy thác đầu tư

Nhìn vào báo cáo tài chính 2011 đã kiểm toán của CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát - đơn vị nhận ủy thác đầu tư của 1 số tổ chức, người đọc không khỏi "giật mình" về 1 số khoản ủy thác đầu tư.

  “Hợp tác đầu tư” với cá nhân hàng trăm tỷ

 

Trong phần ý kiến kiểm toán, công ty kiểm toán lưu ý việc CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát sử dụng vốn nhận ủy thác để hợp tác đầu tư với lãi suất cố định là không phù hợp với thỏa thuận về việc sử dụng vốn với bên ủy thác. Số dư các khoản này tại 31/12/2011 là 544 tỷ đồng. Đáng chú ý 544 tỷ này được ghi trong thuyết minh lại là những khoản hợp tác đầu tư với cá nhân với lãi suất cố định. Cụ thể:

 

- 130,1 tỷ đồng hợp tác đầu tư với Hoàng Anh Minh theo hợp đồng 2303A/20/11/HAM với lãi suất cố định 14%/năm trong hạn, 17%/năm với thời gian gia hạn

 

- 128,6 tỷ đồng hợp tác đầu tư với Lê Việt Anh theo hợp đồng 2303B/2001/LVA với lãi suất cố định 14%/năm trong hạn, 17%/năm với thời gian gia hạn

 

- 30,49 tỷ đồng hợp tác đầu tư với Trần Văn Bê theo hợp đồng 2403A/2011 với lãi suất cố định 14%/năm trong hạn, 17%/năm với thời gian gia hạn

 

- 128,2 tỷ đồng hợp tác đầu tư với Nguyễn Trường Sơn theo hợp đồng 2403B/2011/NTS với lãi suất cố định 14%/năm trong hạn, 17%/năm với thời gian gia hạn

 

- 126,53 tỷ đồng hợp tác đầu tư với Ngô Thị Khánh Hòa theo hợp đồng 2403C/2011/NTKH với lãi suất cố định 14%/năm trong hạn, 17%/năm với thời gian gia hạn

 

Nhìn vào nội dung diễn giải, các khoản hợp tác đầu tư này không khác gì các khoản cho vay cá nhân.

 

Tiền của ai ủy thác?

 

Trong báo cáo của Cty QLQ Tín Phát không nói rõ việc dùng tiền của ai để thực hiện các khoản “cho vay cá nhân” này, tuy nhiên trong thuyết minh 08 về tình hình nợ phải trả thì tại 31/12/2011 có 3 khoản nhận ủy thác chưa thanh lý hết đáng chú ý là của CTCP May Diêm Sài Gòn là 845 tỷ đồng, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng 1.444 tỷ và của Cty TNHH Quản lý nợ và KTTS MSB - công ty con của Maritime Bank - là 720 tỷ đồng.

 

Tiếp tục xem thuyết minh về các khoản nhận ủy thác đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và đầu tư ngắn hạn khác thì có thể loại trừ khoản tiền ủy thác của May Diêm Sài Gòn vì nhiều khả năng là sử dụng vào mục đích khác (sẽ nói bên dưới). Như vậy nguồn tiền để Tín Phát thực hiện các khoản “cho vay” cá nhân không đúng cam kết này có khả năng là từ 1 trong 2 hoặc cả 2 tổ chức là NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Cty TNHH Quản lý nợ và KTTS MSB (AMC) – công ty con của Maritime Bank.

 

Mặc dù tại thời điểm kiểm toán (báo cáo kiểm toán được ký vào ngày 30/3/2012) các khoản này đã được thu hồi, tuy nhiên việc Tín Phát sử dụng sai mục đích tiền được ủy thác và thực hiện hợp tác đầu tư trực tiếp với các cá nhân với số tiền lớn như vậy là một điều đáng lưu ý với nhà đầu tư và những người có lợi ích liên quan tại các tổ chức đã ủy thác tiền cho Cty QLQ Tín Phát.

 

Tự “mua” mình

 

Một số khoản ủy thác đầu tư cho Cty QLQ Tín Phát thực hiện lại được dùng để đi mua cổ phiếu của chính tổ chức ủy thác. Cụ thể Tín Phát đã mua 9,28 triệu cổ phiếu của Cty CP May Diêm Sài Gòn với giá trị 190,9 tỷ đồng; mua 2,06 triệu cổ phiếu của NHTMCP Hàng Hải với giá trị 23,88 tỷ.

 

Một khoản đầu tư được ghi là góp vốn vào dự án Vân Đồn – Cao ốc Hòa Bình 602 tỷ đồng, dự án này lại do chính Cty CP May Diêm Sài Gòn (1 trong các tổ chức ủy thác tiền cho QLQ Tín Phát) làm chủ đầu tư.

 

Khó hiểu hơn là một số khoản lại được Tín Phát ủy thác ngược lại cho chính tổ chức đã ủy thác đầu tư cho Tín Phát. Trong phần Ủy thác lại theo danh mục đầu tư có ghi: ủy thác lại cho AMC – MSB theo hợp đồng 28.11/2011/UTL, không có tài sản đảm bảo với số tiền là 29,7 tỷ đồng; và ủy thác lại cho AMC-MSB theo hợp đồng 30.12/2011 với số tiền 198,7 tỷ đồng. AMC – MSB là công ty con của NHTMCP Hàng Hải – Maritime Bank cũng chính là đơn vị đã ủy thác cho QLQ Tín Phát trong năm 2011 là 1.670 tỷ đồng và còn số dư tại ngày 31/12/2011 là 720 tỷ đồng.

 

Báo cáo tài chính 2011 đã kiểm toán của Cty QLQ Tín Phát