Những bất ổn tài chính
Tuần này, thị trường chứng khoán bất ngờ trước thông tin Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG - sàn HOSE) thông báo lỗ trong niên độ tài chính 2016 (1/10/2015 - 30/9/2016) sau kiểm toán.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2016 của HVG do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho thấy, HVG bất ngờ lỗ ròng 49,29 tỷ đồng (phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ) trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 308,65 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng, giảm gần 90% so với báo cáo trước kiểm toán.
Đáng chú ý, doanh thu sau kiểm toán của HVG giảm 2.038,09 tỷ đồng. Trong công văn giải trình, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của HVG lý giải, phần chênh lệch doanh thu sau kiểm toán trị giá 228 tỷ đồng từ bán bã đậu nành bị loại ra do ghi nhận sai niên độ và một khoản khác chưa được ghi nhận doanh thu là từ việc sang nhượng quyền sử dụng ao giảm 180,73 tỷ đồng, do hồ sơ thủ tục pháp lý chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, hai khoản doanh thu được giải trình này mới chỉ có giá trị hơn 400 tỷ đồng, trong khi doanh thu sau kiểm toán của HVG giảm gấp 5 lần con số này.
Đối với các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm cuối năm, phải thu của HVG là 7.429,64 tỷ đồng, chiếm gần 60% tài sản ngắn hạn và gần 45% tổng tài sản, tăng 32% so với đầu năm. Thông tin chi tiết các khoản phải thu đến hạn không được liệt kê, nhưng lũy kế dự phòng phải thu tăng từ 346,97 tỷ đồng lên 408,88 tỷ đồng.
Tổng nợ của HVG là 13.336,28 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (12.255,19 tỷ đồng). So với số liệu tại báo cáo tài chính mà HVG tự lập trước đó, tổng nợ của HVG tăng 521,34 tỷ đồng.
Dấu hỏi về sự phục hồi
Trong công văn giải trình về kết quả kinh doanh năm 2016 của HVG, khoản doanh thu từ bán bã đậu nành trị giá 228 tỷ đồng nói trên sẽ được hạch toán trong quý I/2017. Thông tin này đã khiến một số nhà đầu tư hứng khởi và giá cổ phiếu phục hồi một chút phiên 8/2, sau 4 phiên giảm sàn trước đó.
Mặc dù nợ phải trả của HVG cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, nhưng nếu tính toán tỷ lệ khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh thì con số này chưa đáng lo ngại, bởi tài sản ngắn hạn của HVG hiện cao hơn nợ ngắn hạn.
Được mệnh danh là “Vua cá tra”, nhưng đến nay, cổ phiếu HVG đã lùi xa khỏi mệnh giá và hiện chỉ còn khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.
Hàng tồn kho của HVG thời điểm cuối năm là 4.621,27 tỷ đồng, tuy có giảm nhẹ so với cuối năm 2015, nhưng cũng là con số khá cao. Xét trong tình trạng thị trường cá tra cầu đang cao hơn cung và so sánh số liệu hàng tồn kho 2 năm trước đó đều trên 4.000 tỷ đồng thì số liệu này có thể lý giải được.
Tuy nhiên, con số hàng tồn kho luôn duy trì ở mức cao cũng là điều đáng lo ngại, bởi hàng tồn kho trong lĩnh vực thủy, hải sản luôn tiềm ẩn rủi ro.
Nếu nhìn lại những sự kiện trên thị trường chứng khoán trước đây của CTCP Việt An (AVF) hay CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH), có thể thấy, việc lưu trữ hàng tồn kho với giá trị lớn thường gây ra những biến động làm “choáng váng” các nhà đầu tư.
Nếu như AVF tạo bất ngờ với khoản lỗ kỷ lục 893 tỷ đồng, chủ yếu do trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho - theo báo cáo tài chính năm 2014 do công ty tự lập, thì VNH lại có “truyền thống” xử lý hàng tồn kho kém phẩm chất nhiều lần trước đó.
Năm 2014, VNH bất ngờ báo lỗ 43,5 tỷ đồng, với nguyên nhân phần lớn đến từ việc hàng tồn kho hư hỏng (35,8 tỷ đồng). Trước đó, với “nghiệp vụ” này, năm 2012, khoản lỗ từ việc xử lý hàng tồn kho của VNH là 11,5 tỷ đồng và lỗ 35,8 tỷ đồng trong năm 2013.
Từ một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thủy, hải sản, được mệnh danh là “Vua cá tra”, nhưng đến nay, cổ phiếu HVG đã lùi xa khỏi mệnh giá và hiện chỉ còn khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.
Chưa biết HVG sẽ cải thiện và khắc phục tình hình tài chính của mình thế nào, nhưng theo nhận định của các chuyên gia CTCP Chứng khoán VnDirect, tình hình tài chính của HVG “khó đứng vững trong các quý sắp tới”.