Theo quy định tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ… thuộc diện bắt buộc phải mua sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, nhưng liên tiếp các vụ cháy vừa qua vẫn chưa thấy tên nhà bảo hiểm nào được nhắc tới.
Tại vụ cháy ở Trung Kính ngày 24/5, đến nay, trong số 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, chưa có doanh nghiệp nào xác nhận về việc khu nhà này đã mua bảo hiểm bắt buộc cháy nổ cho ngôi nhà, mà chủ yếu là mua bảo hiểm liên quan đến con người.
Thông tin về tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trong vụ cháy nghiêm trọng này, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 27/5/2024, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người với số tiền chi trả bảo hiểm ước đạt 2,72 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ của Manulife, Sun Life, bảo hiểm sức khỏe con người của PVI, PJICO.
Trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội diễn ra vào tháng 9/2023 khiến 56 người tử vong và nhiều người khác bị thương, tình hình cũng diễn ra tương tự. Tổng số tiền mà khách hàng bị thiệt hại về người nhận được (hơn 10 tỷ đồng) cũng là do mua bảo hiểm nhân thọ (AIA, Manulife, Chubb Life, Generali) và bảo hiểm phi nhân thọ - chủ yếu học sinh sinh viên (Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO, MIC, VBI), chứ không xuất phát từ sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Do chủ nhà không mua bảo hiểm cháy nổ cho căn nhà nên những thiệt hại liên quan đến tài sản sẽ không được chi trả. Trong khi các loại hình nhà ở chia phòng cho thuê, chung cư mini đều có nguy cơ cháy nổ cao, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội nhưng lại nằm ngoài danh mục phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Khoảng trống pháp lý này càng khiến vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiệt hại sau hoả hoạn thêm trầm trọng.
Ghi nhận từ một số địa bàn có số lượng lớn nhà cao tầng chia phòng cho thuê, chung cư mini tại Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… cho thấy, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà tư nhân là khái niệm hoàn toàn xa lạ với hầu hết cư dân ở đây.
Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Trung Minh, cư dân tại một khu chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, anh cùng nhiều cư dân khác cũng không rõ loại hình bảo hiểm này, chủ đầu tư toà chung cư mini phải mua hay chủ nhân của từng căn hộ mua, chi phí phải mua bảo hiểm cháy nổ ra sao và mức đền bù thiệt hại thế nào. Một số chủ hộ đang thuê nhà của các nhà cao tầng cũng cho biết họ không rõ có phải mua không.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia bảo hiểm Trương Minh Cát Nguyên lại cho rằng, tuy khái niệm chung cư mini cũng như nhà cao tầng cho thuê không được công nhận chính thức nhưng thực tế, chung cư mini phải được coi là nhà chung cư và nhà cao tầng cho thuê phải được coi là nhà khách, nên phải mua bảo hiểm bắt buộc cháy nổ.
“Nhưng có thể do các chủ sở hữu kinh doanh chui (không đăng ký kinh doanh) nên cơ quan chức năng không nắm bắt được tình hình, không yêu cầu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, chứ nếu đã đăng ký kinh doanh thì chắc chắn sẽ bị phạt nếu không mua sản phẩm bảo hiểm này. Còn với nhà riêng (nhà ở tư nhân) không bắt buộc, nhưng có thể mua theo hình thức tự nguyện. Nhà sử dụng để kinh doanh thì phải đáp ứng một số yêu cầu khi mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, theo cán bộ phụ trách bồi thường của một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, không phải căn hộ kinh doanh nào cũng đảm bảo điều kiện để mua được bảo hiểm cháy nổ. Có nhiều căn hộ cho thuê đã không đảm bảo các điều kiện để tồn tại như xây sai phép, không có hệ thống chữa cháy tự động, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Chính vì vậy, ngay cả khi các chủ hộ có đăng ký mua bảo hiểm cháy nổ thì doanh nghiệp cũng phải khảo sát các rủi ro liên quan để đưa ra quyết định có bán bảo hiểm hay không.