Dấu hỏi trong sự chậm trễ thoái vốn nhà nước

Dấu hỏi trong sự chậm trễ thoái vốn nhà nước

(ĐTCK) Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE) đăng ký giao dịch trên UPCoM từ cuối năm 2017 với giá tham chiếu 10.100 đồng/cổ phần, bằng giá trúng đấu giá bình quân khi doanh nghiệp này thực hiện IPO. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không một phiên giao dịch nào diễn ra hoạt động mua bán với cổ phiếu này. 

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.419 tỷ đồng, trong đó vốn thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Công thương quản lý chiếm 99,57%.

Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái 63,54% vốn điều lệ tại MIE trong năm 2018; năm 2019 sẽ thoái toàn bộ. Năm 2018, Bộ Công thương cũng lên kế hoạch thoái vốn tại MIE, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa triển khai.

Thoạt nhìn bề ngoài, hiệu quả hoạt động của MIE rất thấp. Năm 2018, Tổng công ty đạt doanh thu 1.423 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7,28 tỷ đồng. Năm 2019, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.232 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét thực tế, MIE không phải doanh nghiệp không có tiềm năng, nhất là trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành cơ khí đang được quan tâm. Bán toàn bộ doanh nghiệp này không phải là thương vụ M&A quá khó.

Ðiều đáng nói ở đây là, trong khi kế hoạch thoái vốn nhà nước tại MIE lừng khừng một cách khó hiểu thì Tổng công ty lại rất tích cực thoái vốn tại các dự án tiềm năng, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khiến dư luận không khỏi đặt ra nghi ngại về chiêu “ve sầu thoát xác” và nếu như những tài sản quý nhất của doanh nghiệp không còn, liệu Nhà nước còn có thể thoái vốn tại MIE?

Cụ thể, theo các tài liệu từ doanh nghiệp, MIE xây dựng lộ trình cổ phần hóa 4 công ty con (Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội, Công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu sản phẩm cơ khí, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật), bán hết phần vốn của Tổng công ty tại các đơn vị này.  Ðây cũng là những doanh nghiệp đang quản lý diện tích đất đai lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Cũng đáng lưu ý là Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội sau khi di dời nhà máy khỏi khu đất vàng có diện tích gần 6.000 m2 tại 76 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã liên doanh với một doanh nghiệp khác để chuyển quyền sử dụng khu đất trên thành dự án chung cư với tỷ lệ góp vốn vỏn vẹn hơn 2%. Nay dự án mới ở giai đoạn định giá đất, MIE đã vội vã lên kế hoạch thoái vốn khỏi liên doanh này.

Có bao nhiêu doanh nghiệp mà vốn nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối như MIE có nguy cơ sử dụng kém hiệu quả, lãng phí các nguồn lực và thậm chí gây nghi ngờ về khả năng tư lợi trong các hoạt động liên quan đến thoái vốn nhà nước? Ðó là câu hỏi đang được đặt ra với gần 300 doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước thoái vốn trong năm 2019 đang chờ được triển khai.

Theo Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018, có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, 2 năm qua, mới chỉ có hơn 30 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị).

Nếu cộng cả 62 doanh nghiệp thuộc diện phải thoái vốn năm 2019 theo Quyết định 1232 và những doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2017 - 2018 thì số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm 2019 lên tới hơn 300 doanh nghiệp.

Ðiều đáng lo ngại là nếu không quyết liệt triển khai theo kế hoạch, có những doanh nghiệp trong diện nhà nước sẽ thoái vốn một phần, thoái toàn bộ vốn đang có tâm lý nằm chờ, hoạt động lừng khừng, thậm chí, nguy cơ mất vốn, kém hiệu quả là hiển hiện.

Tin bài liên quan