Hồi tháng 9, bốn tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tung đòn áp thuế và khởi đầu chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nước Mỹ dường như hứng chịu thiệt hại nhiều hơn so với đối phương.
Thặng dư thương mại song phương của Trung Quốc trước Mỹ trong tháng 9 lên đến 34 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
"Từ tháng 5 tới tháng 9, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ tăng đều trên mức 10%. Trong khi đó, lượng hàng Trung Quốc nhập từ Mỹ giảm thê thảm, điển hình là đậu nành, các sản phẩm xăng dầu và xe hơi", chuyên gia phân tích Chua Hak Bin viết trong một báo cáo công bố cuối tháng 10, theo Edge.
Tuy nhiên, báo cáo do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 2/11 cho thấy số lượng việc làm ở Mỹ trong tháng 10 tăng vọt, tiền lương cho người lao động được cải thiện bất chấp chiến tranh thương mại đang diễn ra.
"Thị trường lao động đang là phần mạnh nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay", Michelle Girard, chuyên gia về kinh tế Mỹ tại NatWest Markets, nói với NYTimes.
Điều này cho thấy Trump dường như đã đạt được mục đích "mang việc làm về cho người Mỹ" của mình khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 10 tăng nhẹ, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống.
Theo chuyên gia Chua, thặng dư thương mại kỷ lục mà Trung Quốc có được trước Mỹ trong 4 tháng đầu tiên là do các nhà xuất khẩu nước này hối hả tích trữ và xuất hàng tới Mỹ do lo sợ Trump sẽ thực hiện lời đe dọa nâng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% vào năm sau.
Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ kéo dài trong 4 tháng, khi hai nước đến nay vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Chua cho biết số đơn hàng xuất khẩu mới trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 50, đồng nghĩa với việc dòng hàng xuất khẩu mạnh mẽ của họ sẽ không thể duy trì được lâu.
Trong khi đó, nhiều công ty đặt nhà xưởng ở Trung Quốc để xuất hàng đi khắp thế giới đang phải vẽ lại bản đồ dây chuyền cung ứng của mình để tránh đòn áp thuế của Trump. Advantech, một trong những nhà sản xuất máy tính để bàn hàng đầu thế giới, cho biết sẽ rút bớt dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc và xây dựng nhà máy mới cũng như mở thêm phòng bán hàng ở Mỹ.
Gigabyte cũng tuyên bố kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đại lục về Đài Loan để tranh căng thẳng thương mại, theo Nikkei.
Bình luận viên Chong Koh Ping của Straits Times cho rằng trước các dấu hiệu Bắc Kinh "hụt hơi" trong chiến tranh thương mại như vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ đưa ra cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài khi phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc sắp diễn ra ở Thượng Hải.
Sự kiện này thu hút nhiều nhà sản xuất trên toàn thế giới và sẽ là cơ hội để lãnh đạo Trung Quốc công bố những bước đi mà họ sẽ thực hiện để giảm bớt hậu quả từ đòn thương mại cảu Trump.
Ông Tập có kế hoạch gặp Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra cuối tháng này ở Argentina, dù Mỹ khẳng định việc đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc "vẫn còn xa vời".
Theo cây bút Kenneth Rapoza của Forbes, dưới đòn áp thuế của Trump, Trung Quốc không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn nữa, khi chi phí nhân công ngày càng tăng và các quy định về môi trường được siết chặt.
Nói cách khác, nếu không ở Trung Quốc để bán hàng cho người Trung Quốc, họ nhiều khả năng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất của mình tới các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan.
Sách trắng 15 trang do Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc tập đoàn Economist công bố tuần trước cho rằng bên được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay chính là châu Á.
Với việc Trump đe dọa sẽ áp thuế với thêm 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ có cuộc "tái sắp xếp" lại và sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khu vực Đông Nam Á.
Tàu chở hàng nhập khẩu tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AP.
"Cuộc chiến thương mại sẽ leo thang trong những tháng tới, cuối cùng có thể bao trùm những sản phẩm tiêu dùng hoàn thiện như điện thoại di động, laptop và các thiết bị điện tử khác cũng như mặt hàng quần áo", sách trắng của EIU có đoạn.
Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc cũng sẽ bị nhắm tới trong cuộc chiến. Để không đánh mất thị phần ở những khu vực như châu Mỹ Latin, vốn là một cửa ngõ xuất hàng vào Mỹ qua ngả Mexico bằng hiệp định NAFTA trước đây, Trung Quốc có thể phải chuyển một số dây chuyền sản xuất tới các nước châu Á xung quanh.
Các chuyên gia của EIU dự đoán ngành dệt may của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi lớn, bởi Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu quần áo may sẵn lớn thứ ba trên thế giới và có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, EIU cũng cảnh báo rằng những lợi ích mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cho khu vực Đông Nam Á sẽ không đến trong ngày một ngày hai, mà các nước có thể mất ít nhất 2-3 năm mới cảm nhận được hiệu ứng tích cực từ nó, bởi các doanh nghiệp địa phương cần thời gian để xây dựng năng lực sản xuất tương ứng.
Các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn ở Trung Quốc cũng phải có sự thay đổi và mục tiêu mới mà họ hướng tới là các nước Đông Nam Á có mạng lưới hiệp định thương mại tự do mạnh, trong đó có hiệp định CPTPP mà Malaysia, Singapore và Việt Nam là thành viên. Mỹ không tham gia ký hiệp định này.
Trong thực tế, hoạt động xuất khẩu của một số nước thuộc ASEAN đã khởi sắc kể từ khi Mỹ và Trung Quốc tung đòn áp thuế vào các mặt hàng của nhau, trong đó có các mặt hàng khoáng sản của Indonesia và Malaysia.
Theo chuyên gia Chua, dòng vốn đầu tư FDI cũng có dấu hiệu chảy mạnh hơn vào ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, khi các tập đoàn thiết lập mạng lưới sản xuất linh hoạt hơn bên ngoài Trung Quốc để giảm bớt ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.
Vốn FDI ròng ở Thái Lan trong nửa đầu năm 2018 đã tăng cao nhất trong 4 năm qua, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất.
Tương tự, vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng gần 20% trong ba quý đầu năm nay, tỷ lệ này ở Malaysia cũng tăng cao kỷ lục trong nửa đầu 2018.
Các chuyên gia của EIU dự đoán ngành dệt may của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi lớn, bởi Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu quần áo may sẵn lớn thứ ba trên thế giới và có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, EIU cũng cảnh báo rằng những lợi ích mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cho khu vực Đông Nam Á sẽ không đến trong ngày một ngày hai, mà các nước có thể mất ít nhất 2-3 năm mới cảm nhận được hiệu ứng tích cực từ nó, bởi các doanh nghiệp địa phương cần thời gian để xây dựng năng lực sản xuất tương ứng.
"Các tập đoàn đa quốc gia cũng cần thời gian để vạch ra chiến lược khu vực và toàn cầu mới, tìm kiếm đối tác mới, nghiên cứu các hệ thống pháp luật và xin các loại giấy phép cần thiết cho cơ sở sản xuất của mình", các chuyên gia của EIU viết.
Kết quả là những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn nổi trội trong ngắn hạn, còn lợi ích mà nó mang lại cho các nước châu Á chỉ có thể thấy rõ từ năm 2020.