Cảng Long Bình luôn được Sowatco công bố khai thác vượt công suất

Cảng Long Bình luôn được Sowatco công bố khai thác vượt công suất

Đấu giá Sowatco: Ẩn số Cảng Long Bình

(ĐTCK) Cùng với động thái SCIC công bố kế hoạch thoái 44.675.400 cổ phần, chiếm 66,58% vốn điều lệ của Sowatco, nhóm NĐT hiện đang sở hữu gần 30% vốn điều lệ Sowatco đã lên kế hoạch mua vào, với mục đích sở hữu chi phối doanh nghiệp.

Trong bản công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng CTCP Đường sông miền Nam (Sowatco), mở bán ngày 18/1/2016, CTCP Chứng khoán Bản Việt cho rằng, Cảng Long Bình là một trong những điểm mạnh chiến lược của Sowatco trong lĩnh vực logistic. Thế nhưng, Cảng Long Bình đang có nguy cơ bị “rút” khỏi Sowatco bởi một công văn của UBND TP. HCM.

Sự khó hiểu của công văn từ UBND TP. HCM

Tháng 5/2007, Cảng thủy nội địa Long Bình của Sowatco có vị trí tại bờ phải sông Đồng Nai, thuộc phường Long Bình, quận 9, TP. HCM (gọi tắt là Cảng Long Bình) được Bộ Giao thông Vận tải công bố là cảng được tiếp nhận phương tiện thủy Việt Nam, phương tiện thủy nước ngoài chở hàng hóa có trọng tải đến 5.000 DWT vào, ra và làm hàng tại cảng.

Đây là một dấu mốc quan trọng với Sowatco, bởi sau 7 năm kể từ khi triển khai, Cảng Long Bình đã trở thành cảng sông quốc tế đầu mối có thể tiếp nhận tàu biển xuất nhập khẩu trực tiếp cho khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vận tải đường thủy của TP. HCM tăng lên và nhiều cảng trong Thành phố đã bị quy hoạch di dời.

Theo đề án đã được phê duyệt, Cảng Long Bình có quy mô 20 héc-ta, triển khai làm 2 giai đoạn, có thời hạn thuê đất còn lại là 44 năm. Bản công bố thông tin thoái vốn của SCIC tại Sowatco cho thấy, với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt, Cảng Long Bình đang có ưu thế tuyệt đối, đặc biệt khi lượng hàng hóa lưu chuyển qua Cụm cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) đã nhanh chóng vượt quá 4 lần lưu lượng dự kiến đến năm 2020 và đang phải lên kế hoạch di dời.

Đây có lẽ là lý do trong năm qua, Cảng Long Bình luôn được Sowatco công bố khai thác vượt công suất. Cuối tháng 5/2015, Sowatco đã có 2 nghị quyết HĐQT về việc đầu tư liên quan đến cảng này để nâng cao chất lượng hoạt động.

Thế nhưng, giữa lúc doanh nghiệp khai thác tốt, thời gian thực hiện Dự án Cảng Long Bình còn rất dài và đặc biệt, SCIC đang lên kế hoạch thoái vốn tại đây thì bất ngờ, giữa tháng 12/2015, UBND TP. HCM ra Công văn số 7362/UBND-ĐTMT về việc xây dựng Cụm cảng ICD mới tại phường Long Bình, quận 9, với quy mô 47,5 héc-ta, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng. Trong đó, chấp nhận đề xuất cho phép chủ đầu tư mới vào xây dựng dự án, đè lên toàn bộ dự án cũ, với công năng sử dụng không đổi, nhằm tạo điều kiện di dời các cảng khác tại khu vực cảng Trường Thọ. 

Ẩn số cảng Long Bình

Như vậy, Dự án Cụm cảng ICD đã không được giao cho Sowatco, cũng không được tách ra làm 2 phần, trong đó giữ nguyên phần dự án của Sowatco tại Long Bình. Sowatco còn lại gì khi quyết định hành chính trên được thực thi?

Theo tìm hiểu của ĐTCK, cùng với động thái SCIC công bố kế hoạch thoái 44.675.400 cổ phần, chiếm 66,58% vốn điều lệ của Sowatco, nhóm NĐT hiện đang sở hữu gần 30% vốn điều lệ Sowatco đã lên kế hoạch mua vào, với mục đích sở hữu chi phối doanh nghiệp. Trong bản công bố thông tin bán thoái vốn, Cảng Long Bình được nhắc đến với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, có một chú thích liên quan đến dự án này là cảnh báo về việc UBND TP. HCM đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Cụm cảng trung chuyển ICD để phục vụ di dời Khu cảng Trường Thọ theo Công văn số 7632/UBND-ĐTMT ngày 10/12/2015. Với nguy cơ mất Cảng Long Bình, kế hoạch thoái vốn của SCIC tại Sowatco liệu có thành công (ngày 18/1 tới sẽ tổ chức đấu giá)?

Theo các thông tin đã công bố của Sowatco, ngoài ngành nghề kinh doanh chính, có 3 tài sản của Sowatco được NĐT đặc biệt quan tâm, bao gồm: Cảng Long Bình, 16% vốn góp tại Liên doanh Keppel Land Watco (chủ đầu tư Dự án Saigon Centre, quận 1, TP. HCM) và vốn góp tại Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (VICT). Trong số này, phần vốn góp của Sowatco tại Keppel Land Watco là thông tin không mới, với mức chia cổ tức năm 2013 là 16 tỷ đồng, năm 2014 là 9 tỷ đồng, quá nhỏ so với mức vốn đầu tư hiện tại. VICT được lợi do diễn biến ngành và việc di dời các cụm cảng trong Thành phố, nhưng Cảng Long Bình mới được kỳ vọng là nhân tố sẽ mang lại đột biến về kết quả kinh doanh cho Sowatco.

Với diện tích 20 héc-ta, vị trí đẹp, thời gian cho thuê đất kéo dài, cảng này không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu quả kinh doanh của Sowatco trong thời gian tới, mà còn gắn với kỳ vọng thay đổi mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, những kỳ vọng ấy sẽ không còn, nếu Công văn số 7632 của TP. HCM được thực hiện. 

Tin bài liên quan