Rất nhiều nhà đầu tư tổ chức đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Seaprodex qua cuộc đấu giá này, nhưng cuối cùng, tổng số lượng đặt mua 45 triệu cổ phiếu vẫn thấp hơn số lượng chào bán hơn 60,8 triệu cổ phiếu; nói một cách đơn giản, còn 15,8 triệu cổ phiếu dự định đấu giá bị “ế”.
Câu chuyện từ người trong cuộc chia sẻ, nhiều tổ chức đầu tư đã đến công ty tìm hiểu cơ hội đâu tư, trong đó có những tên tuổi như VinaCapital, Masan, Mekong… Có tổ chức đã điền vào phiếu lệnh, chuẩn bị chuyển tiền nhưng lại quyết định rút lui vào phút chót, khi chỉ còn vài phút nữa là hết hạn đặt mua vào lúc 4h chiều ngày 5/12.
Bình luận về việc này, ông Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc Seaprodex nói: “Có lẽ các nhà đầu tư phải nhìn nhau, bên này thấy bên kia vào thì thôi không vào nữa, chứ cùng vào thì đẩy giá lên cao. Nhiều quỹ đã làm việc với chúng tôi, nhưng cuối cùng là nhóm nhà đầu tư bất động sản vào”.
Được biết, một nhóm 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký và trúng đấu giá một lượng cổ phiếu đúng bằng 10% vốn của công ty. Nhóm này với tổ chức đầu tư đăng ký mua 25% cổ phần Seaprodex là Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam là một. Ngoài ra, một tổ chức đầu tư thông qua Chứng khoán Bản Việt đăng ký mua 400.000 cổ phiếu.
Còn trong danh sách 52 cá nhân trúng đấu giá đợt này thì 75% số người là cán bộ, lãnh đạo của Tổng công ty.
Tiềm năng của Seaprodex được nhìn nhận khác nhau giữa người tham gia và không tham gia đấu giá.
Theo ông Tâm, giá 10.100/cổ phiếu là “giá quá tốt”. Vấn đề là Tổng công ty định hướng làm sao để khai thác tiềm năng bất động sản của mình bên cạnh thủy sản. Về kế hoạch niêm yết, Seaprodex sẽ thực hiện đúng thời hạn niêm yết sau 12 tháng và theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 sẽ bán tiếp phần vốn Nhà nước để hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51%.
Thị trường đều biết rõ tiềm năng của Seaprodex không nằm ở lĩnh vực kinh doanh chính là thủy sản, mà ở quỹ đất đang sở hữu. Quỹ đất này ông Tâm cho biết là “đất sạch” mà Tổng công ty có giấy tờ hợp pháp, bây giờ làm không vướng gì. Trong tương lai, lĩnh vực đầu tiên của Tổng công ty là bất động sản, chứ không phải thủy sản.
Tuy nhiên, khu đất lớn nhất là văn phòng chính của Seaprodex tại Đồng Khởi thì thủ tục vẫn chưa xong, hiện đang chờ Thành phố quyết định giá bán chỉ định cho Tổng công ty.
Một cá nhân từng làm việc cho CTCK Đà Nẵng và có kinh nghiệm đầu tư, tham gia đấu giá cổ phiếu Seaprodex chia sẻ, khoản đầu tư này là rất an toàn vì các khoản nợ Tổng công ty đã thực hiện trích lập đầy đủ, mỗi năm trả cổ tức 4% từ mảng kinh doanh thủy sản và mảng kinh doanh bất động sản, mảng này rất tiềm năng, nhất là khi đã có cổ đông chiến lược mua đến 35% cổ phần. Theo anh này thì chắc chắn nhà đầu tư chiến lược sẽ tìm cách khai thác tiềm năng bất động sản và sau 1 năm, Tổng công ty lên niêm yết, nhiều nhà đầu tư để ý đến hơn. “Giá niêm yết khởi điểm có thể đạt 13.000 - 14.000 đồng/cổ phần”, anh này kỳ vọng.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, các nhà đầu tư không tham gia đấu giá Seaprodex thì “chê” ở chỗ không có lợi thế nào ở ngành nghề kinh doanh chính là thủy sản. Seaprodex tuy nhiều đất, nhưng chủ yếu là diện tích nhỏ, khu đất “vàng” Đồng Khởi thì chưa xong thủ tục. Còn khoản đầu tư vào Proconco - Cám Con Cò tuy có lời, nhưng nhà đầu tư không đủ thông tin để đánh giá hết. Đối với nhà đầu tư cá nhân, thời điểm này có quá nhiều cơ hội trên sàn.
Dự kiến, năm 2014, Seaprodex đạt khoảng 140 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2015, dự kiến không chia cổ tức, còn 3 năm sau bình quân chia 6 - 7% /năm. Nếu khai thác nhanh, tốt mảng bất động sản thì kỳ vọng cổ đông sẽ nhận được cổ tức cao hơn. Vậy là trong lúc này, nhiều người đầu tư vào Tổng công ty Thủy sản Việt Nam không phải để đầu tư kinh doanh thủy sản, mà để đầu tư, kinh doanh bất động sản.