Thông tin về số lượng nhà đầu tư và số lượng cổ phần đăng ký đấu giá cổ phần SAB sắp được công bố, nhưng với sự tham gia của Vietnam Beverage, đợt đấu giá của Sabeco vào ngày 18/12 nhiều khả năng sẽ là cuộc đua của những dòng tiền tỷ USD.
Từ tin đồn đến động thái đăng ký mua của Vietnam Beverage
Nhiều tháng trước khi có thông tin chính thức về việc chào bán cổ phần nhà nước tại Sabeco, giới thạo tin đã truyền tai nhau về việc, nhà đầu tư nước ngoài định giá cổ phiếu SAB cao hơn nhiều mức giá trên sàn niêm yết.
Việc tin tức này lan truyền là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu SAB không ngừng tăng trong thời gian qua, từ 180.000 đồng/cổ phiếu lên 250.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí lập đỉnh cao mới ở mức 330.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp những nhận định của giới phân tích tài chính trong nước rằng, cổ phiếu SAB đang được định giá quá cao. Hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 314.000 đồng/cổ phiếu sau khi tạm thời lập đỉnh.
Và đúng như thông tin đã nêu, đến chiều ngày 13/12, Bộ Công thương đã chính thức công bố Công ty TNHH Vietnam Beverage ký mua 327 triệu cổ phần Sabeco (SAB). Ở mức giá khởi điểm, công ty này sẽ phải chi ra khoảng 4,6 tỷ USD để sở hữu 51% SAB.
Công ty Vietnam Beverage được sở hữu 100% bởi Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam, mà 49% cổ phần của doanh nghiệp này do hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu thông qua Beerco Limited, pháp nhân có trụ sở tại Hongkong.
Theo định giá của HSC, cổ phiếu SAB có thể đạt EPS dự phóng năm 2018 là 7.783 đồng, tăng 9,1% và P/E dự phóng là 40,2 lần và EV/EBITDA là 30,3 lần.
Chia sẻ với báo chí ngày 13/12, ThaiBev đưa ra một thông điệp thận trọng: Vietnam Beverage vẫn đang cân nhắc việc tham gia đấu giá SAB trước thời hạn cuối cùng là ngày 17/12. Theo ThaiBev, việc Vietnam Beverage đăng ký mua trên 25% cổ phần của Sabeco trong đợt đấu giá ngày 18/12 chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu quy định về đấu giá cạnh tranh của Sabeco.
Sabeco sẽ đắt hàng?
Theo nhiều đánh giá, Sabeco là một trong những hãng bia lớn hiếm hoi tại châu Á chào bán lượng lớn cổ phần. Với 41% thị phần và cơ sở sản xuất hiện đại, Sabeco đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các hãng bia trong khu vực và trên thế giới trong vài năm qua.
Bên cạnh triển vọng tăng trưởng mạnh của thị trường bia Việt Nam (sản lượng được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 10% trong 5 năm tới), nếu một hãng bia lớn trên thế giới nắm cổ phần Sabeco thì họ có thể nâng đáng kể hiệu quả hoạt động, đặc biệt là những hoạt động ở hạ nguồn, từ đó cải thiện tỷ suất lợi nhuận của SAB, sử dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco để phân phối các thương hiệu bia của mình.
Giới phân tích cho rằng, tương tự như khi mua lại BigC hay Metro và hiện tại là khả năng mua lượng lớn cổ phần tại Sabeco, các tập đoàn đến từ Thái Lan đều trước hết nhắm đến thị trường nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực và trên thế giới thì tiềm năng cũng không hề nhỏ.
Còn nhớ năm 2015, Saigon Asset Management Corporation (SAM) đã công bố mua toàn bộ cổ phần của Heritage Beverage, một công ty độc quyền nhập khẩu Bia Sài Gòn vào Bắc Mĩ. “Việc mua lại này là nhằm nắm bắt các cơ hội được tạo ra bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bia nhập khẩu ở Mỹ và Canada”, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAM cho biết.
Cho đến thời điểm này, ông Louis Nguyễn chia sẻ, Công ty đã phân phối được Bia Sài Gòn vào hệ thống siêu thị Costco tại thị trường này và đây là thương hiệu bia Việt Nam duy nhất tại đây.
“Khi vào các nhà hàng Thái Lan hay Trung Quốc, khách hàng sẽ bắt gặp thương hiệu bia của nước đó. Nhưng vào nhà hàng Việt lại là bia Heineken hay bia của một nước khác”, ông Louis Nguyễn chia sẻ và kỳ vọng, việc đưa Bia Sài Gòn vào siêu thị Costco là tiền đề để Heritage Beverage đưa các sản phẩm đồ uống, thực phẩm khác của Việt Nam vào Mỹ như nước dừa, nước ép hoa quả…
Một doanh nghiệp sở hữu quyền phân phối bia ở một thị trường đầy cạnh tranh là Bắc Mỹ còn kỳ vọng lớn như vậy thì việc Tập đoàn của tỷ phú Thái Lan bỏ tiền tỷ USD để chi phối Sabeco là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, mức độ cạnh tranh của đợt đấu giá này đến đâu vẫn là một ẩn số do danh tính nhà đầu tư cạnh tranh với ThaiBev chưa lộ diện. Được biết, trước đây nhiều thương hiệu bia lớn trên thế giới đã từng nghiên cứu và nhắm đến Sabeco, thậm chí ngỏ ý mua gián tiếp thông qua một số quỹ đầu tư, công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam.
Theo quy định, việc công bố thông tin về đợt đấu giá (số lượng cổ phiếu chào mua, lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá) diễn ra vào thời điểm nào?
Theo Quy chế chào bán cạnh tranh Sabeco:
Ban tổ chức chào bán cạnh tranh báo cáo kết quả đăng ký tham dự cho Bộ Công thương, SABECO, đại diện tư vấn và các đại lý chào bán cạnh tranh trước 17h ngày 17/12/2017 (1 ngày trước ngày đấu giá). Sau đó Bộ Công thương, HOSE, Sabeco và các đại lý sẽ công bố trên website: Số lượng nhà đầu tư đăng ký, số lượng cổ phần đăng ký mua ...
Trong trường hợp nào nhà đầu tư sẽ bị mất tiền đặt cọc?
Nhà đầu tư mất tiền cọc trong những trường hợp sau:
- Có tên trong 2 hoặc nhiều phiếu tham dự
- Phiếu tham dự không đáp ứng điều kiện theo quy định
- Không nộp hoặc nộp phiếu tham dự không đúng thời gian quy định
- Không thanh toán tiền mua cho toàn bộ hoặc một phần số cổ phần được quyền mua
- Hủy đăng ký tham gia không đúng thời hạn quy định
- Không thực hiện giao dịch mua cổ phần và thanh toán đúng thời hạn quy định