Thương vụ thoái 40% vốn PGBank của Petrolimex được giới đầu tư quan tâm.

Thương vụ thoái 40% vốn PGBank của Petrolimex được giới đầu tư quan tâm.

Đấu giá PGBank (PGB): Petrolimex không tính kịch bản ế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex tự tin về khả năng phiên đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex ngày 7/4 tới sẽ thành công.

Tại buổi hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư tuần qua, ông Năm cho rằng, các nhà đầu tư lớn, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài không dễ mua được lượng lớn cổ phần của một ngân hàng tại Việt Nam. PGBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, quy mô “vừa miếng” và có nhiều dư địa để nhà đầu tư lớn phát triển Ngân hàng trong tương lai. Tự tin với kế hoạch đấu giá cổ phần lần này, Hội đồng quản trị Petrolimex chưa đặt ra kịch bản phiên đấu giá thất bại.

Giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% giá trị sổ sách, nếu so với các thương vụ bán vốn lớn cho nước ngoài gần đây, nhất là so với thương vụ bán vốn của VPBank cho Sumitomor đang được thị trường truyền tin (giá gấp 2 lần giá trị sổ sách), được giới phân tích đánh giá là hấp dẫn so với nhà đầu tư lớn.

Vốn điều lệ của PGBank hiện thuộc nhóm thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam, nếu tăng vốn và mở rộng mạng lưới thì Ngân hàng còn nhiều dư địa phát triển.

Tính tới 31/12/2022, PGBank chỉ có 1 cổ đông lớn là Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ, 60% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank, ước tính Ngân hàng đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 2 tháng đầu năm, cả quý I đạt 150 tỷ đồng. Năm nay, PGBank dự kiến đạt 530 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ tiêu này sẽ được trình đại hội cổ đông tổ chức vào ngày 25/4 tới.

PGBank vừa trải qua quá trình tái cấu trúc dài, từ năm 2015 tới nay không tăng vốn, mạng lưới giữ nguyên 79 chi nhánh, phòng giao dịch. Kế hoạch giai đoạn 5 năm 2022 – 2026, trên cơ sở Petrolimex vẫn là cổ đông lớn, của Ngân hàng là không tăng vốn, không mở rộng mạng lưới, nếu tăng trưởng tín dụng bình quân 10 - 15%, phù hợp với chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước thì kỳ vọng đến năm 2026, tổng tài sản ước đạt 58.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, PGBank khá sạch. Ngân hàng tập trung khách hàng vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khách hàng cá nhân bán lẻ. Hiện tỷ trọng tăng trưởng khách hàng bán lẻ cao hơn khách hàng doanh nghiệp và chiếm tỷ trọng quan trọng trong cơ cấu cho vay của ngân hàng này. Đây là phân khúc khách hàng có biên lợi nhuận tốt hơn.

Bên cạnh đó, PGBank cũng chú trọng phát triển tiền gửi không kỳ hạn - CASA (hiện là 17,9%, cao hơn so với mức bình quân của ngân hàng cùng quy mô). Song song đó, Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, nhằm mục đích gia tăng giao dịch khách hàng trên tài khoản.

Lý giải về việc dư nợ trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 242 tỷ đồng, lãnh đạo PGBank cho biết, do liên quan một số khoản nợ xấu và đánh giá cần có thời gian thu hồi nên Ngân hàng đã bán nợ cho VAMC.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ trái phiếu VAMC của PGBank là 951 tỷ đồng, đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, 550 tỷ đồng nợ xấu còn lại sẽ trích lập dần trong 5 năm theo quy định. Tuy vậy, theo lãnh đạo PGBank, khoản dự phòng này có khả năng được hoàn nhập khi nợ xấu được xử lý.

Dư nợ cho vay nhóm bất động sản của PGBank hiện vào khoảng 2.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng 3.000 tỷ đồng, hiện chưa phát sinh dư nợ xấu đáng chú ý, nhờ rà soát chặt chẽ trong quá trình cho vay và khách hàng phân tán, chứ không tập trung vào một doanh nghiệp nào.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2022, PGBank đã tích lũy được khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến 1.267,7 tỷ đồng, tương ứng 42,2% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi việc thoái vốn của Petrolimex hoàn tất, Ngân hàng có dư địa để có thể nhanh chóng chia cổ tức tăng vốn điều lệ, thoát khỏi vị thế là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống hiện nay.

Nếu phiên đấu giá thành công, Petrolimex thu về tối thiểu 2.556 tỷ đồng, ghi nhận khoản lợi nhuận tối thiểu 722 tỷ đồng (so sánh với giá trị đầu tư mà Petrolimex ghi nhận trên báo cáo tài chính quý IV/2022 tự lập của Tập đoàn).

Tin bài liên quan