Đất vàng lên sàn đất
Theo ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, địa phương này vừa đấu giá thành công khu đất rộng hơn 60 ha được quy hoạch làm khu dân cư tại xã Phước An, với giá 901 tỷ đồng. Theo ông Mỹ, sở dĩ khu đất đấu giá cao vì thị trường bất động sản tại huyện Nhơn Trạch nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung vẫn đang trong “cơn sốt” vì thông tin tích cực từ các dự án hạ tầng giao thông lớn như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái và nhiều công trình giao thông kết nối khác với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai, đơn vị được giao quản lý và tổ chức đấu giá các khu đất vàng cho thấy, từ đầu năm đến nay, Trung tâm này đã đấu giá thành công 2 khu đất tại huyện Nhơn Trạch và Long Thành với số tiền thu được gần 1.300 tỷ đồng và Trung tâm đang hoàn tất thủ tục để đấu giá 39 khu đất trong thời gian tới. Theo nguồn tin này, chỉ tính riêng với giá khởi điểm, 22 thửa đất đang trong quá trình phê duyệt dự tính đem về cho ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng. Được biết, trong các khu đất được đem ra đấu giá, nhiều mảnh có địa thế đẹp tại những khu dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi.
Dự kiến, tổng diện tích được tỉnh Đồng Nai đem ra đấu giá trong năm nay là gần 333 ha.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai cho biết, để quá trình đấu giá diễn ra đúng luật và mang lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách, các khu đất trước khi đấu giá đều sẽ được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc đưa thông tin về quy mô, giá trị (dự toán) và công năng được quy hoạch của các khu đất được đấu giá, không chỉ để các đối tượng quan tâm biết được để tham gia, mà đó còn là biện pháp minh bạch thông tin để quá trình đấu giá nhận được sự giám sát của toàn xã hội.
Ngoài những thông tin về công tác chuẩn bị, ông Thanh còn “làm công tác chuẩn bị tinh thần” cho những đối tác có nhu cầu tham dự đấu giá về khả năng tăng giá của các thửa đất được đem đấu giá lần này. “Thực tế, đất tại khu vực TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và nhiều địa phương khác vẫn đang “sốt” nên giá bán các thửa đất trên có thể cao hơn nhiều so với giá khởi điểm”, ông Thanh dự báo.
Nỗi lo thiếu cạnh tranh
Có thể nói, kế hoạch đưa lên sàn đấu giá 40 khu đất vàng của tỉnh Đồng Nai khiến giới đầu tư bất động sản rất quan tâm, bởi thị trường bất động sản tỉnh này được hâm nóng thời gian gần đây trước sự xuất hiện của các dự án hạ tầng quy mô. Tuy nhiên, trên bình diện chung, thách thức lớn các cuộc đấu giá đất hiện nay là vấn nạn “quân xanh - quân đỏ”, quây thầu, “cò đấu giá” làm giá ở nhiều cuộc đấu.
Với các khu đất giá trị lớn, địa thế đẹp mà tỉnh Đồng Nai sắp tiến hành đấu giá, nỗi lo thiếu tính cạnh tranh, minh bạch vì vấn nạn quân xanh - quân đỏ thao túng, trục lợi tại các cuộc đấu giá là có lý do. Các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo công tác đấu giá đúng theo quy định pháp luật là rất cần thiết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, rộng rãi là phương thức chủ đạo trong tương lai, vì đó là phương thức tích cực đem lại sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, muốn đạt tiêu trên thì cần phải thực hiện được cuộc đấu giá thực thụ, tránh tình trạng đấu giá quân đỏ - quân xanh. Theo ông Châu, có 5 điểm mấu chốt tạo nên công bằng cho các cuộc đấu giá đất.
Một là, tài sản đấu giá phải được công khai rộng rãi các thông tin về đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, với thời gian đủ dài.
Hai là, đảm bảo hồ sơ đấu giá phải đáp ứng các chuẩn mực phổ quát, không được đưa ra các điều kiện có lợi cho một nhóm nhà đầu tư.
Ba là, giá khởi điểm đấu giá phải được xác định đúng, các bước giá phải tuân thủ theo đúng quy trình đấu giá quy định
Bốn là, cần chuẩn đủ hồ sơ đấu giá để cung cấp cho tất cả nhà đầu tư có nhu cầu, tránh tình trạng nhà đầu tư đến mua, thì bảo hết hồ sơ gây trở ngại quá trình tiếp xúc hồ sơ.
Năm là, phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ.
Ngoài các yếu tố trên, ông Châu còn cho rằng, các yêu cầu về tài sản đảm bảo, bảo lãnh đấu giá của ngân hàng… cần phải được thực hành nghiêm chỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai cho biết, việc đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch đang được Trung tâm hết sức quan tâm.
“Để đảm bảo tính khách quan, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan giám sát kỹ càng từng bước trong quy trình đấu giá đất, đảm bảo tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật và tạo nguồn thu ngân sách ở mức độ cao nhất”, ông Thanh nói. Ông cho biết thêm, cho đến nay, các khâu thẩm định, xây dựng phương án đấu giá đến các bước đăng tải thông tin, phát hành hồ sơ, tiến hành đấu giá được Trung tâm triển khai đúng luật định.
Tiền thu đấu giá đất sẽ được tỉnh Đồng Nai đầu tư các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông như đường ven sông Cái, đường nối trung tâm thành phố Biên Hòa, đường ven sông Đồng Nai, đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp và một số tuyến đường tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh...
Tỉnh Đồng Nai cũng ràng buộc nhà đầu tư trúng đấu giá đất phải triển khai dự án theo quy hoạch để các khu đất được sử dụng hiệu quả. Hồ sơ tham gia đấu giá sẽ được xét duyệt kỹ để đảm bảo nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án tránh tình trạng các khu đất “vàng” bị bỏ hoang sau đấu giá.