Hợp đồng bị hủy, nhưng vẫn tổ chức đấu giá
Năm 2015, CTCP Đấu giá Thành An (Công ty Thành An) có thông báo là đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 0705 - khu đất số 3 Đặng Thái Thân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá khởi điểm lên tới 95,4 tỷ đồng.
Khi đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (đơn vị chủ quản lý khu đất) đã giao cho Ban Quản lý các dự án khí tượng thủy văn (đơn vị quản lý tài sản) trực tiếp giao kết hợp đồng với Công ty Thành An. Hợp đồng được ký ngày 7/5/2015 với nhiều điều khoản, đáng chú trong đó là quy định thời gian mở bán hồ sơ diễn ra từ 14-16h ngày 14/5/2015.
Cho dù chưa có quy định cụ thể về thời gian bán hồ sơ, nhưng với một tài sản nhà nước có giá trị lớn như khu đất trên, thì việc thời gian mở bán hồ sơ chỉ gói gọn trong 2 tiếng đồng hồ đã gây ra bức xúc, bởi nhiều khách hàng không mua được hồ sơ.
Thực tế, thời điểm mở bán đã chứng kiến cảnh gần 80 nhà đầu tư đến xếp hàng mua hồ sơ, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó được Công ty Thành An bán hồ sơ. Để đảm bảo việc bán hồ sơ thầu được rộng rãi, đơn vị quản lý tài sản đã nhiều lần yêu cầu Công ty Thành An tiếp tục bán hồ sơ cho khách hàng, nhưng không được chấp thuận.
Ngày 18/5/2015, Ban Quản lý ra thông báo hủy hợp đồng bán đấu giá số 0705 với lý do là Công ty Thành An chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo các điều khoản hợp đồng đã ký giữa 2 bên. Điều đáng nói, trong khi tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm, ngày 10/10/2015, Công ty Thành An đơn phương tổ chức phiên bán đấu giá tiếp theo, bất chấp ý kiến phản đối của chủ tài sản. Lần đấu giá này, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Trung là đơn vị trúng thầu với giá 104 tỷ đồng!
Vội vã thay nhà đấu giá mới
Ngoài vấn đề hợp đồng đấu giá bị tuyên hủy, nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá tài sản, một điều đáng lưu ý nữa trong vụ tranh chấp này là cùng thời điểm, ngày 23/11/2015, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã “vội vã” ký hợp đồng đấu giá mới với Công ty cổ phần Đấu giá Bắc Trung Nam (Công ty Bắc Trung Nam) nhằm tiến hành bán đấu giá khu đất số 3 Đặng Thái Thân.
Khá nhanh chóng, phiên đấu giá lần thứ 2 được Công ty Bắc Trung Nam tổ chức sau đó 2 tháng và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thịnh Vượng (Công ty Thịnh Vượng) là đơn vị trúng thầu với giá 120 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2016, Công ty Thịnh Vượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này. Phiên đấu giá lần 2 cũng tạo dư luận, khi Công ty Thành An tố Công ty Bắc Trung Nam vi phạm trình tự, thủ tục, ép khách hàng trả giá trước.
Liệu có khuất tất?
Trước hành động của các bên trong vụ việc này, câu hỏi đặt ra là đơn vị quản lý tài sản là Ban Quản lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bán đấu giá tài sản với Công ty Thành An không?
Theo luật định, việc bán đấu giá tài sản được điều chỉnh bởi Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. Khoản 1, Điều 27, Nghị định 17/2010 quy định: “Người có tài sản bán đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự trước khi tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Ngoài ra, các giao dịch, quan hệ kinh tế còn được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự. Cụ thể, theo Điều 197 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Trong khi đó, cái lý để Công ty Thành An đệ đơn khởi kiện là Ban Quản lý đã chấm dứt hợp đồng sau khi công ty tổ chức đấu giá niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản.
Phán quyết mới đây của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội nhận định, việc Công ty Thành An tự ý tổ chức bán tài sản là trái với quy định tại Điều 197, Bộ luật Dân sự. Như vậy, về mặt pháp lý, Ban Quản lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dân sự. Nếu có thiệt hại xảy ra, Công ty Thành An chỉ có thể yêu cầu đòi bồi thường dân sự. Thậm chí, Công ty Việt Trung cũng có quyền khởi kiện Công ty Thành An yêu cầu bồi thường thiệt hại về khoản tiền đặt cọc.
Sự việc đang được xem xét lại và các kết luận còn ở phía trước. Tuy nhiên, có thể thấy, các khu đất vàng có giá trị rất lớn, việc giám sát và quản lý lỏng lẻo rất dễ tạo ra kẽ hở lợi dụng làm thất thoát tài sản nhà nước.