Trao đổi với ĐTCK, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ phát hành, UBCK cho biết, quy chế mới ra đời là để nâng cao trách nhiệm đối với 2 Sở cũng như trách nhiệm của DN tham gia đấu giá cổ phần. So với quy chế cũ thì điểm thay đổi lớn nhất trong quy chế mẫu ban hành lần này là các Sở GDCK có thể ban hành các tiêu chí để lựa chọn các CTCK làm đại lý đấu giá và đại lý đấu giá nhập lệnh từ xa. Như vậy, thay vì tập trung đấu giá tại các Sở, nay nhà đầu tư có thể bỏ phiếu tại các CTCK. Tuy nhiên, định kỳ hàng năm, Sở GDCK sẽ tổ chức xét duyệt lại những CTCK đáp ứng đủ các tiêu chí làm đại lý đấu giá và đại lý đấu giá nhập lệnh từ xa.
Liên quan đến vấn đề tạo hướng mở cho các CTCK làm đại lý nhận phiếu đấu giá cổ phần, một lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) đánh giá, quy chế mới cho phép nhà đầu tư có thể tham gia đấu giá trực tiếp tại CTCK chính là bước đệm để sau này tiến đến việc đấu giá cổ phần theo phương thức trực tuyến. Tuy nhiên, hiện tại, việc đấu giá theo 2 cấp chưa phù hợp và có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Với quy chế mới, nhà đầu tư có thể bỏ phiếu đấu giá cổ phần tại các CTCK, thay vì tập trung tại các Sở
Hiện nay, tại HNX chưa có một hệ thống đấu giá trực tuyến để nhà đầu tư có thể nhập phiếu (tương tự như đối với nhập lệnh giao dịch chứng khoán), do vậy việc thực hiện đấu giá vẫn theo phương pháp thủ công là phải bỏ phiếu trực tiếp vào hòm phiếu, như vậy, nếu tản các hòm phiếu ra các CTCK làm đại lý đấu giá mà bản thân Sở GDCK chưa có đủ cơ sở giám sát sẽ dễ gây tiêu cực và có thể xảy ra hiện tượng CTCK và nhà đầu tư thông đồng để sửa phiếu lệnh… Việc thực hiện đấu giá theo 2 cấp như quy chế mới trong điều kiện hiện tại là chưa thực sự phát huy tác dụng.
HNX cho biết, chờ một thời gian áp dụng theo quy chế đấu giá mới, Sở sẽ đưa ra đánh giá về tác động của văn bản mới đến thực tiễn và sẽ có các kiến nghị lên UBCK để có hướng điều chỉnh phù hợp hơn. Tuy nhiên, đại diện HNX cũng cho rằng, quy chế đấu giá cổ phần mới ra đời vào thời điểm TTCK èo uột, nên chưa đủ “kích thích” các DN tham gia đấu giá cổ phần.
TTCK xấu không chỉ tác động đến các DN đang niêm yết mà tác động tiêu cực đến cả tiến độ đấu giá cổ phần của các DN. Theo quy định mới, khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các DN phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ hoặc chủ sở hữu DN thông qua. Chính vì TTCK vẫn chưa thoát khỏi trạng thái suy giảm, nhiều DN cho rằng, việc lên sàn trong thời gian này chưa hợp lý, nên cũng chưa tính đến việc cổ phần hóa. Thực tế, số lượng đấu giá cổ phần trên 2 Sở giao dịch trong năm 2012 chỉ đếm trên đầu ngón tay, những tổng công ty lớn vẫn trì hoãn lộ trình đấu giá như đã công bố từ trước…
Tại HOSE, từ đầu năm đến nay, có 7 DN đăng ký bán cổ phần như Ngân hàng TMCP Kiên Long, CTCP dệt may Đông Á, Ngân hàng TMCP Việt Á… và theo dự báo của Sở thì từ nay đến cuối năm cũng chỉ có thêm vài DN đăng ký bán cổ phần. Tình trạng DN đấu giá cổ phần thưa thớt cũng diễn ra trên HNX, có những DN đã công bố đấu giá cổ phần nhưng sau đó lại hủy như CTCP Bảo hiểm SHB, CTCP Thép Sông Hồng..., do các công ty này đều chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký đấu giá.
Có thể quy chế mới chưa đủ thúc đẩy các DN tham đấu giá cổ phần tăng lên trong thời điểm hiện tại, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, trong bối cảnh TTCK còn ảm đạm và các yếu tố vĩ mô chưa thực sự khởi sắc trở lại thì các bước chuyển động trong chính sách quản lý đối với TTCK là điều nên được ưu tiên thực hiện. Đấu giá cổ phần sẽ được thực hiện theo quy chế chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn niêm yết cũng được nâng cao hơn… chính là những bước đệm chính sách giúp TTCK phát triển bền vững hơn.