Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Chiều 9/9, trong phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chưong trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo Tờ trình, giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.
Tờ trình cũng quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký, nhưng được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc đấu giá biển số xe ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp. Có ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi thí điểm đối với việc lựa chọn sử dụng biển số xe mô tô thông qua đấu giá.
Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, cần phải có quy định trả giá trong quá trình đấu giá, để tránh tình trạng phá rối cuộc đấu giá. Bên cạnh đó còn là nguy cơ bỏ cọc, vì mức cọc theo quy định hiện nay là 20% giá khởi điểm thì nguy cơ bỏ cọc sẽ rất cao.
Đồng tình mức cọc 20% của giá khởi điểm là quá thấp, với giá khởi điểm 20 triệu đồng thì mức cọc chỉ khoảng 4 triệu đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng nhận định nguy cơ bỏ cọc là rất cao.
Ông Hiếu kiến nghị để hạn chế tình trạng bỏ cọc thì cần quy định mức đặt cọc ngay trong Nghị quyết. Nếu quy định mức đặt cọc bằng mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng, 40 triệu đồng thì cũng hạn chế được tình trạng bỏ cọc.
Ông Hiếu cũng cho rằng, nên phân biệt biển số nhiều người có nhu cầu sử dụng thì là biển “đẹp”, như thế sẽ xác định được giá khởi điểm và xác định mức cọc, qua đó ngăn ngừa được tình trạng bỏ cọc do giá khởi điểm quá thấp.
Nhưng, theo Thứ trưởng Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách) Nguyễn Văn Long, rất khó xác định thế nào là biển số “đẹp”, biển số “xấu”.
Bởi, “làm gì có nguyên tắc nào để xác định. Với tôi có thể là đẹp nhưng với người khác chẳng có giá trị gì”, ông Long phân tích.
Biển số đẹp là biển số của người có nhu cầu tự xác định và đây chính là nguyên tắc đầu tiên cùa cơ quan soạn thảo khi xây dựng Nghị quyết. Lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh và cho biết nguyên tắc tiếp theo là việc đấu giá được triển khai trên toàn lãnh thổ. Công dân có quyền đấu giá ở bất kỳ tỉnh nào, để mở rộng tối đa quyền tham gia đấu giá.
“Chúng tôi sẽ cấp 1.000 biển số, trong vòng một tháng, cứ biển số nào có người đăng ký tham gia đấu giá thì để riêng để mang ra đấu giá. Biển nào không có người tham gia đấu giá thì gạt vào kho, để bấm tự nhiên”, ông Long cho biết.
Còn giá khởi điểm, Thứ trưởng Long cho rằng, phải lấy một nguyên tắc chung nhất là bằng chính phí cấp biển số đó, ở Hà Nội, TP.HCM là 40 triệu đồng, các địa phương khác là 20 triệu đồng.
Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).