Đấu giá biển số ô tô: Giá khởi điểm 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
Đó là nội dung được quy định tại dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua chiều 15/11, trước khi bế mạc kỳ họp thứ tư.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Liên quan đến giá khởi điểm, quá trình thảo luận, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng.

Có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng, ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm; thông qua cơ quan định giá hoặc thành lập Hội đồng định giá theo hướng dẫn, quy định của Bộ Tài chính. Có ý kiến cho rằng, giá khởi điểm sẽ do pháp luật về đấu giá tài sản điều chỉnh, không nên quy định trong dự thảo Nghị quyết này hoặc giao Chính phủ quy định.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Đây là vấn đề khó, còn vướng mắc, là nguyên nhân dẫn đến việc nghiên cứu, đề xuất thí điểm kéo dài từ năm 2017 đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 theo dự thảo do Chính phủ trình sẽ không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt theo vùng.

Tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Về tiền đặt trước và bước giá, một số ý kiến nhất trí với quy định tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá. Có ý kiến đề nghị quy định tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về bước giá là 5 triệu đồng như trong dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến quy định bước giá ở Hà Nội, TP.HCM là 5 triệu đồng, các địa phương còn lại là 2 triệu đồng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định đặt trước và bước giá khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản nên cần phải đưa vào Nghị quyết này để thực hiện thí điểm.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định “tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá” nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá; còn người đấu giá không trúng thì được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định của pháp luật; đồng thời quy định thống nhất bước giá là 5 triệu đồng.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Người trúng đấu giá biển số xe ô tô được giữ lại biển số xe ô tô trúng đấu giá trong trường hợp xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu.

Nếu được Quốc hội thông qua, nội dung thí điểm đấu giá sẽ được thực hiện trong ba năm, kể từ ngày 1/7/2023.

Tin bài liên quan