Nhà máy sản xuất của Sa Giang
Giá khởi điểm 347 tỷ đồng cho 49,89% vốn Sa Giang
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố phương án thoái vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã SGC). Đây là lần bán vốn tiếp theo sau đợt chào bán thất bại hồi tháng 7/2019.
SCIC cho biết sẽ chào bán cả lô 3,56 triệu cổ phần vốn nhà nước, tương đương 49,89% vốn điều lệ của Sa Giang. Giá khởi điểm là 97.500 đồng/cổ phần, giảm hơn 12,7% so với được xác định ở lần đấu giá trước (111.700 đồng/cổ phần). Giá khởi điểm cả lô cổ phần xấp xỉ 347 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cần đặt cọc trước 10% giá trị lô cổ phần. Do gặp giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, khối ngoại sẽ không được phép tham gia vào đợt đấu giá này.
Buổi chào bán cạnh tranh sẽ được tổ chức vào chiều ngày 9/12/2020. Các nhà đầu tư nộp hồ sơ năng lực từ ngày 17/11/2020 đến 16h00 ngày 30/11/2020 tại chi nhánh phía Nam SCIC - Số 16 Trương Định, Quận 3, Tp HCM.
Tiếp tục bán trọn lô
Tương tự như đợt đấu giá trước cũng như nhiều phiên đấu giá được thực hiện gần đây, SCIC tiếp tục lựa chọn bán trọn lô cổ phần thay vì chào bán cổ phần như thông thường. Đây là vấn đề mà tổng công ty từng nhận được kiến nghị ở lần chào bán trước. Theo chia sẻ thời điểm đó, đối với cổ phần SGC, quan điểm của SCIC là bán toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ mua một phần cổ phiếu chào bán nhằm đạt được quyền chi phối doanh nghiệp.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Sa Giang, ngoài SCIC, cổ đông lớn thứ 2 của Sa Giang là bà Trần Thị Thanh Thúy (sinh năm 1965) với tỷ lệ sở hữu 21,08%. Bà Thúy tốt nghiệp đại học Bách khoa ngành Hóa thực phẩm và đang giữ vị trí phó tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh Phúc, thành viên HĐQT công ty Cao su Y tế. Ông Lê Văn Phúc, chồng bà Thúy là CEO của Thiên Minh Phúc – một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Ông cũng là cổ đông sở hữu 2,26% vốn và từng nằm trong HĐQT của Sa Giang.
Sa Giang đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới từ tháng 11/2019. Với vai trò cổ đông lớn sở hữu hơn 21% cổ phần, bà Thúy đã ứng cử và đề cử hai nhân sự trong HĐQT gồm bà và ông Phạm Thanh Hùng (cổ đông sở hữu 3,3% vốn và đảm nhận vị trí lãnh đạo công ty thương mại thực phẩm Phong Phú).
Theo cập nhật của Trung tâm lưu ký chứng khoán hồi cuối năm 2019, Sa Giang có hơn 370 cổ đông. Cổ phiếu SGC thường xuyên trong tình trạng “trắng”thanh khoản. Sau thông tin thoái vốn của SCIC, giá cổ phiếu SGC tăng kịch trần lên 81.400 đồng/cp trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn khá khiêm tốn, chỉ 500 cổ phiếu được sang tay sáng nay.
Ở lần bán trước, giá cổ phiếu SGC trên thị trường có thời điểm đã tăng lên 120.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá khởi điểm nhưng phiên đấu giá vẫn không thể thành công. Với mức giá trên, giá chào bán khởi điểm của SCIC đang cao hơn 19,6% thị giá.
Sau một năm, điểm sáng phải kể đến của Sa Giang là tình hình kết quả kinh doanh. Năm 2019, công ty xác lập kỷ lục doanh thu mới. Đồng thời, lợi nhuận cũng tăng lên cao nhất kể từ năm 2011. Trong quý III vừa qua, lợi nhuận của Sa Giang cũng bật mạnh lên cao gấp rưỡi cùng kỳ, kéo kết quả kinh doanh cả 9 tháng lấy lại đà tăng trường. Mặt hàng chủ lực của công ty trước nay là bánh phồng tôm vốn không phải loại thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, thích ứng với bối cảnh mới dưới tác động của dịch Covid-19, Sa Giang đã chuyển sang tập trung sản xuất mặt hàng phụ là các sản phẩm từ gạo, từ đó mở rộng doanh thu xuất khẩu, tăng 33% so với quý III/2019. Sau 9 tháng, Sa Giang lãi trước thuế 29,4 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch đề ra.
Quy mô tổng tài sản đến 30/9 đạt 181 tỷ đồng, được tài trợ phần lớn bởi nguồn vốn tự có (111,2 tỷ đồng). Số dư các khoản vay ngân hàng của Sa Giang hiện chưa đến 10 tỷ đồng.