Hệ lụy của giá dầu giảm là khiến hụt thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong cơ cấu thu ngân sách những năm gần đây, tỷ trọng nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô liên tục giảm, nên theo ông, phần hụt thu ngân sách có đáng lo ngại?
Giá dầu thế giới giảm, tác động tiêu cực nhất đến các nước chủ yếu xuất khẩu dầu, cũng như các sản phẩm được sản xuất từ dầu mỏ. Đối với Việt Nam - một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu các loại xăng, dầu thành phẩm, nên tác động tiêu cực ở mức vừa phải. Tiêu cực dễ thấy nhất là gây hụt thu ngân sách nhà nước.
Giá dầu giảm sâu còn khiến sản lượng khai thác giảm, nên gây thêm sức ép lên cân đối thu, chi ngân sách. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh tỷ trọng đóng góp của nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô liên tục giảm và giảm khá mạnh trong những năm gần đây, thì áp lực này giảm rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2005. Nếu như năm 2006, tỷ lệ thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô rất cao, khoảng 29,8%, thì đến năm 2014, tỷ lệ này chiếm khoảng 10,2% tổng thu ngân sách nhà nước.
Hụt thu ngân sách trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh và hiện gần chạm mức trần cho phép theo giới hạn mà Quốc hội định ra, còn dẫn đến một tác động không mong muốn khác là tăng áp lực lên nợ công, do cân đối thu, chi ngân sách gặp khó khăn. Do đó, đòi hòi Chỉnh phủ cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước, để giảm thiểu mặt tiêu cực của giá dầu giảm, đồng thời tận dụng tối đa mặt tích cực.
Như ông vừa phân tích, Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng đồng thời nhập khẩu một lượng lớn xăng, dầu thành phẩm, nên giá dầu thế giới giảm sẽ tạo ra dư địa tăng thuế nhập khẩu xăng, dầu, cũng như giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, qua đó tạo ra nguồn thu mới để bù đắp cho phần hụt thu do giá dầu giảm?
Khác với các quốc gia chịu tác động tiêu cực rất lớn do tỷ trọng thu ngân sách quá phụ thuộc vào xuất khẩu xăng, dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ, Việt Nam có tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô ngày một giảm mạnh, đồng thời là nước nhập khẩu khá lớn các sản phẩm xăng, dầu, cũng như các sản phẩm sản xuất từ dầu mỏ. Chính đặc thù này đang góp phần tạo ra nguồn thu mới, để bù đắp cho hụt thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, mới đây Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu xăng từ 18% lên 27%; thuế nhập khẩu dầu diesel từ 14% lên 23%. Trong khi đó, với mức thuế suất thuế ưu đãi nhập khẩu xăng, dầu tối đa là 40%, thì dư địa để tiếp tục tăng thuế từ nhập khẩu xăng, dầu vẫn còn, sẽ tạo ra nguồn thu mới, bù đắp đáng kể cho phần hụt thu ngân sách nhà nước.
Cũng ở khía cạnh tìm kiếm nguồn thu mới để bù đắp cho phần hụt thu ngân sách, do giá xăng, dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, nên giá xăng, dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đối với nhiều doanh nghiệp.
Mặt khác, do dầu giảm khiến cho giá nhiều mặt hàng sản xuất từ dầu mỏ như: phân bón, chất dẻo… mà Việt Nam đang nhập khẩu khá lớn, cũng sẽ giảm. Điều này góp phần giảm giá bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, qua đó kích thích tiêu dùng, nên sẽ giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, kéo theo đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn.
Đây là cơ hội tốt để Chính phủ triển khai các giải pháp kích thích sản xuất và tiêu dùng, mang lại nguồn thu bền vững cho ngân sách trong thời gian tới.
Tìm nguồn để tăng thu nhằm bù đắp phần hụt thu ngân sách nhà nước thôi chưa đủ, mà cần tái cơ cấu phần chi tiêu ngân sách theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả chi tiêu, thì sẽ góp phần giảm tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm lên cân đối thu, chi ngân sách, thưa ông?
Đúng vậy. Cùng với tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp cho phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, điều quan trọng là nhân cơ hội này, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu.
Cần quyết liệt cắt giảm các khoản chi không cần thiết, không thực sự cấp bách như chi cho cán bộ nhà nước đi công tác nước ngoài; chi cho hội nghị, hội thảo; chi động thổ, khánh thành dự án…
Việc giảm chi cũng có giá trị tương đương như tăng thu, nên nếu thực hiện triệt để giải pháp này, sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của giá dầu giảm lên cân đối thu, chi ngân sách.
“Giá dầu giảm, thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng nền kinh tế có lợi” Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cơ cấu thu ngân sách nhà nước năm 2014 - 2015 khác với những năm trước. Nếu như trước đây thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô chiếm 20 - 25% tổng thu ngân sách, thì nay chỉ chiếm từ 10 - 12%. Trên 70% nguồn thu còn lại là thu từ thuế nội địa, sản xuất trong nước... Quan điểm của Bộ Tài chính là không vì giá dầu thô giảm, mà khuyến nghị các bộ, ngành tăng sản lượng khai thác dầu thô để bù đắp cho phần giá giảm. Vì khi tăng sản lượng trong giai đoạn giá dầu thấp, sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Số liệu thống kê 10 tháng năm 2014 cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu là 7,2 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô là 6,3 tỷ USD. Bởi vậy, về mặt kinh tế vĩ mô, khi giá dầu giảm, thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng nền kinh tế có lợi, do giá trị nhập khẩu xăng, dầu đang lớn hơn giá trị xuất khẩu dầu thô. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, đối với những mỏ dầu mà chi phí khai thác cao, tạm thời không nên khai thác mạnh, mà ưu tiên giữ tài nguyên để khi được giá mới tăng khai thác. Bộ Tài chính sẽ không đề xuất điều chỉnh thu, chi ngân sách, không tăng vay để bù đắp cho phần hụt thu vì sẽ tác động tới nợ công. “Vẫn cân bằng được thu ngân sách” Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nếu năm 2015, giá dầu khoảng 70 USD/thùng, thì nguồn thu của ngân sách giảm so với năm 2014 khoảng 28.000 - 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó là nguồn thu trực tiếp từ PVN sản xuất, còn các nguồn thu khác như thuế nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm được điều chỉnh tăng, nên theo tôi, mức thu vẫn đảm bảo được sự cân bằng, để bù đắp cho phần hụt thu ngân sách. |