Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Dấu ấn phiên đấu giá cổ phần đầu tiên

(ĐTCK) Thực hiện chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, ngày 17/2/2005, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thực hiện đấu giá bán phần vốn Nhà nước ra công chúng thông qua Sở GDCK TP. HCM (HOSE). 

Đây là phiên đấu giá bán cổ phần đầu tiên được tổ chức tại HOSE nói riêng và trên TTCK Việt Nam nói chung. Sự kiện này diễn ra ngay sau khi quy trình hướng dẫn bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm GDCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được ban hành theo Quyết định số 01/2005/QĐ-UBCK ngày 4/1/2005.

Tại phiên đấu giá này, Vinamilk thực hiện bán đấu giá 1.827.000 cổ phần với giá khởi điểm 220.000 đồng/cổ phần. Kết quả, toàn bộ số cổ phần chào bán được bán hết với giá trúng thầu thấp nhất 266.100 đồng/cổ phần (gấp 1,21 lần so với giá khởi điểm), giá trúng thầu bình quân đạt 313.100 đồng/cổ phần, giá trị cổ phần bán được đạt 572,068 tỷ đồng, thặng dư mang lại cho Nhà nước 389,368 tỷ đồng.

Có thể nói, phiên đấu giá cổ phần của Vinamilk là bước khởi đầu quan trọng trên chặng đường phát triển hoạt động đấu giá của HOSE. Thành công của phiên đấu giá này không chỉ giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của Vinamilk, mà còn góp phần khẳng định vị thế của HOSE là đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá bán cổ phần có uy tín hàng đầu tại TTCK Việt Nam cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia.

Từ đó đến nay, trải qua chặng đường 10 năm phát triển hoạt động đấu giá, các văn bản quy phạm hướng dẫn liên quan đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thị trường từng thời điểm, đặc biệt là việc chuyển đổi từ mô hình đấu giá một cấp sang mô hình đấu giá hai cấp thông qua các đại lý là các công ty chứng khoán.

Trong 10 năm qua, HOSE đã tổ chức trên 350 phiên đấu giá, với tổng số lượng trên 2.606 triệu cổ phần được chào bán và trên 127 triệu quyền mua chào bán, trong đó bán được hơn 1.872 triệu cổ phần và hơn 109 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 64,454 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp bán đấu giá. Sau Vinamilk, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã thực hiện bán đấu giá qua HOSE như: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Vingroup, Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Sabeco, PVGas, Vinatex, Vietnam Airlines, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau… Các đợt đấu giá này đã thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu của các doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá tại HOSE, cũng như lòng tin của nhà đầu tư dành cho Sở. Sau bán đấu giá cổ phần, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp tục đặt niềm tin và chọn HOSE là nơi niêm yết và giao dịch cổ phiếu cho công ty trên TTCK. Đây cũng là những doanh nghiệp hiện có giá trị vốn hóa hàng đầu trên TTCK Việt Nam.

Có thể thấy, hoạt động đấu giá cổ phần đã góp phần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cho TTCK sơ cấp, cũng như TTCK niêm yết, từ đó tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với công chúng nhà đầu tư. Thực hiện bán đấu giá tại HOSE cũng sẽ là bệ phóng giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, từ cổ phần hóa đến niêm yết, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp, là động lực để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Nhà nước, với mục tiêu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước, trong đó đấu giá qua Sở GDCK được coi là giải pháp quan trọng. Điều này hứa hẹn một năm sôi động của hoạt động đấu giá bán cổ phần nói chung và đấu giá qua HOSE nói riêng. Nhiều doanh nghiệp lớn, tổng công ty đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục cần thiết để thực hiện bán đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng như Mobifone, Vinaphone, Viettel, PVOil, Tổng Công ty Càng hàng không Việt Nam…, sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.   

Tin bài liên quan