Hệ thống tín dụng là mạch máu nuôi dưỡng “cơ thể” TP. HCM ngày càng khỏe mạnh, đẹp đẽ.

Hệ thống tín dụng là mạch máu nuôi dưỡng “cơ thể” TP. HCM ngày càng khỏe mạnh, đẹp đẽ.

Dấu ấn phát triển của ngành ngân hàng TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Qua hơn 30 năm phát triển, ngành ngân hàng TP.HCM đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Hệ thống mở rộng nhanh chóng

Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua và công bố hai pháp lệnh về ngân hàng: Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Sự ra đời của 2 pháp lệnh này đã chính thức tách biệt hai chức năng: quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng và thực thi nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương; các ngân hàng thương mại và TCTD kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong khuôn khổ pháp luật. Đây chính là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng nền móng phát triển của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM.

Mô hình hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương, được thành lập năm 1987.

Đây là thành tựu quan trọng phản ánh toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về mô hình hoạt động mới trong cơ chế kinh tế thị trường, song mang đậm dấu ấn của chính quyền TP.HCM, của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - trong vai trò trực tiếp thực hiện chủ trương lớn này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã định hướng; xây dựng quy chế, mô hình, phương án hoạt động đối với các ngân hàng thương mại cổ phần phát triển từ hợp tác xã. Sự phát triển các ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Thành phố trở thành mô hình điểm và được nhân rộng phát triển ra cả nước.

Qua hơn 30 năm phát triển và mở rộng, có thể nói, ngành ngân hàng TP.HCM đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Trong đó, nổi bật và ấn tượng nhất là sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần ban đầu thành lập chỉ có 4 ngân hàng, với tổng tài sản 411 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ là 35 tỷ đồng.

Nhưng đến nay, sau hơn 30 năm, đã có 12 ngân hàng thương mại có hội sở chính đặt tại Thành phố, với tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5.300 lần so với năm 1990; vốn điều lệ đạt 127.798 tỷ đồng, tăng hơn 3.650 lần so với năm 1990.

Với việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO (từng bước gỡ bỏ một số rào cản trong thị trường tài chính - ngân hàng như việc cấp phép thành lập và hoạt động cho một số ngân hàng nước ngoài và mở rộng dần phạm vi cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hiện diện thương mại), hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài được mở rộng hơn, với việc được phép thành lập các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Mạng lưới hoạt động của hệ thống các TCTD phát triển rộng khắp trên tất cả các địa bàn quận, huyện của Thành phố, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi, tiện ích nhất cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng; đồng thời là yếu tố thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng các hoạt động huy động vốn, cho vay vốn và thanh toán của các ngân hàng trên địa bàn.

Với hình thức sở hữu đa dạng, đủ các thành phần kinh tế: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và quỹ tín dụng nhân dân; các công ty tài chính, cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô cũng được hình thành và phát triển mạnh.

Đến cuối năm 2020, trên địa bàn Thành phố đã có tổng cộng 2.164 đơn vị TCTD hoạt động trên địa bàn, trong đó ngân hàng liên doanh và nước ngoài là 89 đơn vị; văn phòng đại diện các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là 27 đơn vị; ngân hàng thương mại là 1.967 đơn vị giao dịch.

Mạng lưới hoạt động của các TCTD đa dạng và địa bàn hoạt động phong phú, rộng khắp, đảm bảo cung ứng dịch vụ ngân hàng đến tất cả người dân của Thành phố, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, nền kinh tế

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, ngành ngân hàng Thành phố đã tích cực triển khai, xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định, các chương trình tín dụng theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND Thành phố.

Các chính sách, chương trình tín dụng theo từng thời kỳ đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng theo nhu cầu cho sản xuất - kinh doanh, tạo cơ sở và điều kiện cho tăng trưởng kinh tế của địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

Ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với các biện pháp và hành động cụ thể như tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường, chương trình cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, cho vay kích cầu đầu tư, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…, qua đó đã góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất - kinh doanh, tiến tới hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của hệ thống các TCTD trên địa bàn Thành phố đạt trên 4,8 triệu tỷ đồng.

Có thể nói, hệ thống các TCTD Thành phố đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong các giai đoạn của sự phát triển, đi kèm với sự nâng cao về quản trị điều hành, cơ cấu tổ chức, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, hướng đến tăng trưởng an toàn và bền vững.

Bình quân giai đoạn 10 năm gần nhất (2011 - 2020), ngành ngân hàng TP.HCM đã có những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân đạt 13,7%, tín dụng tăng bình quân 13,6%.

Bình quân giai đoạn 10 năm gần nhất (2011 - 2020), ngành ngân hàng Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân đạt 13,7%, tín dụng tăng bình quân 13,6%. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động đến kinh tế trong nước, cùng với những khó khăn, thách thức chung của thời kỳ mới đối với doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Hoạt động của các TCTD trên địa bàn ổn định và trong xu hướng phát triển tích cực; đặc biệt, hoạt động huy động vốn và tín dụng tăng trưởng với tốc độ cao trong giai đoạn vừa qua.

Trong giai đoạn phát triển 30 năm qua, huy động vốn và tín dụng trên địa bàn Thành phố đến nay đã đạt con số trên 2,5 triệu tỷ đồng và vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế cả nước gặp khó khăn chung vì dịch Covid-19 như năm 2020.

Hiện đại hóa hệ thống thanh toán

Kết quả quan trọng và ý nghĩa đột phá về phát triển dịch vụ ngân hàng trong 30 năm qua gắn liền với sự phát triển vượt bậc trong ứng dụng và phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại của các TCTD nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng, với các dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện, cho phép khách hàng giao dịch mọi lúc, mọi nơi, tiện lợi và tiết giảm chi phí.

Bên cạnh đó, về mặt tăng trưởng, số lượng dịch vụ cũng phát triển nhanh, đa dạng và phong phú. Trong đó, các dịch vụ thẻ, Internet banking, Mobile banking, thanh toán, chuyển tiền điện tử, ví điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm.

Xét riêng giai đoạn 15 năm gần nhất, nếu năm 2005, số lượng thẻ trên địa bàn chỉ đạt 1 triệu thẻ, thì đến năm 2020, số lượng thẻ đạt 15,6 triệu thẻ, tăng 15,6 lần, đi kèm với dịch vụ này là hệ thống mạng lưới máy ATM, POS không ngừng mở rộng.

Số lượng máy ATM hiện nay gần 4.000 máy, gấp 7,9 lần so với năm 2005; trong khi đó, số lượng máy POS tăng 14 lần so với năm 2005.

Quá trình này không chỉ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, mà còn thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen thanh toán và sử dụng dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo thống kê, số lượng khách hàng tham gia sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử có tốc độ tăng trưởng tốt và đạt mức tăng trên 50% qua từng năm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên thế giới trong suốt giai đoạn vừa qua, các ngân hàng trên địa bàn đã đẩy nhanh việc đầu tư và ứng dụng công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ ngân hàng.

Hệ thống điện tử liên ngân hàng từng bước được hoàn thiện, hệ thống xử lý tập trung, online toàn hệ thống của từng TCTD đã được thực hiện, giúp cho mục tiêu điều hành, quản lý, thông tin báo cáo, giám sát từ xa, bảo mật và xây dựng trung tâm dự phòng… được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

(*) Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Tin bài liên quan