Bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản lần lượt dẫn đầu
Xét 3 năm gần đây, năm 2016 là năm lên ngôi của lĩnh vực bán lẻ với nhiều thương vụ mua lại chuỗi phân phối, nhưng năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo là bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%); trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,75%, sau đó là tài chính - ngân hàng (19,06%), sản xuất công nghiệp (9%).
Có thể thấy, các ngành đang được quan tâm M&A nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Việt Nam.
Việc mua lại công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) không chỉ mua lại thương hiệu mà còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường. Trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm.
Với cư dân đô thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2017, bất động sản đứng trong Top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất và Top 5 thị trường đầu tư vào Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông.
Hình thức mua lại để hình thành liên doanh được thực hiện chủ yếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.
Lý do chính thúc đẩy M&A trong lĩnh vực bất động sản là thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư dự án thường kéo dài, trung bình 3 - 10 năm, đồng thời các vị trí đất đẹp trở nên hạn chế hoặc đã được sở hữu bởi các nhà đầu tư trong nước.
Những quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài thực hiện M&A dự án bất động sản có thể kể đến như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C…
Ở trong nước, các nhà phát triển dự án nội địa như Novaland, Hưng Thịnh cũng không ngừng mở rộng và tìm mua các vị trí đất có lợi thế. Một số nhà đầu tư bất động sản đã thu hút được vốn từ nước ngoài để phát triển các dự án như Vinhomes, Bitexco, Sơn Kim, An Gia, Nam Long, Tiến Phước…
Thương vụ điển hình trong lĩnh vực bất động sản năm 2017 - 2018 là GIC đầu tư vào Vinhomes. Theo thông tin công bố, GIC đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.
Vinhomes là đơn vị phát triển mảng bất động sản về nhà ở biệt thự và căn hộ cao cấp của Tập đoàn Vingroup. Thời điểm nhận đầu tư, Vinhomes đang điều hành 10 dự án với tổng cộng gần 18.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại.
Một thương vụ đáng chú ý khác là Quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus của Mỹ kết hợp với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) thành lập một liên doanh với số vốn hơn 200 triệu USD để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Liên doanh có tên Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW, tập trung phát triển và vận hành nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và xây theo yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, cùng với nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung hạn chế, chi phí để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam đang ngày càng đắt đỏ với mức định giá cao hơn từ 30 - 50% so với một vài năm trước.
Quy mô thị trường M&A ở mức trung bình trong khối ASEAN
Tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam là đáng ghi nhận, quy mô thị trường năm 2017 đạt mức trung bình nhiều nước trong khu vực ASEAN. Năm 2016, quy mô thị trường M&A tại Việt Nam là 5,8 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường Phillippines là 6,75 tỷ USD, các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia từ 11 - 16 tỷ USD. Năm 2017, với thương vụ Sabeco, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tương đương với thị trường Malaysia (11,73 tỷ USD), Indonesia (10,76 tỷ USD)…
Các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của nhiều nhà đầu tư trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2017, Thái Lan dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam.
Trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan thực hiện chiến lược mua lại những công ty lớn, dẫn đầu thị trường như Big C, Metro, Nguyễn Kim trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối; Prime Group, VCM, Xi măng Holcim trong lĩnh vực nguyên vật liệu; BMP, NTP trong ngành nhựa; Sabeco trong ngành sản xuất và phân phối bia. 6 tháng đầu năm 2018, Singapore đang tạm dẫn đầu về giá trị M&A tại Việt Nam với các thương vụ đầu tư lớn của GIC.
Dự báo quy mô M&A năm 2018
M&A năm 2017 có sự tăng trưởng đột biến về giá trị nhờ thương vụ ThaiBev mua Sabeco, với giá trị 4,8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ năm 2016.
Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) dự báo, giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017, do năm nay có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco. Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD, bằng 58,8% so với năm 2017, nhưng giá trị M&A năm nay sẽ tăng 15,3% nếu năm ngoái không tính thương vụ Sabeco.
Theo đó, giá trị M&A tại thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 - 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016, ổn định trong khoảng 6 - 6,5 tỷ USD.
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A nhiều khả năng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các DNNN lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Triển vọng M&A một số ngành, lĩnh vực
Một là sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ. Ngành bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Với thị trường 95 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng sẽ được quan tâm.
Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đáng kể đối với một số chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên, sự thâm nhập vào thị trường tiềm năng này qua lĩnh vực M&A là giới hạn do số lượng các mục tiêu có thể đầu tư hoặc mua lại không nhiều.
Ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh và triển vọng lớn. Do đó, bên cạnh các hoạt động mở rộng kinh doanh là sự kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành của các doanh nghiệp nội địa thông qua M&A.
Hai là bất động sản. M&A bất động sản đang thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định, lợi suất cao. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá cao là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Các nhà đầu tư nội, tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất, nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường, khả năng cạnh tranh.
Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất và các tài sản chất lượng.
Ba là ngân hàng và dịch vụ tài chính. Dự kiến, các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng..., vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Trong khi đó, các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh.
Bốn là cơ sở hạ tầng, năng lượng. Việt Nam đã có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Một trong những cách huy động vốn đang được nghiên cứu đó là chuyển nhượng quyền khai thác một số dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển, với quan điểm bán một phần cơ sở hạ tầng để lấy nguồn vốn đó xây dựng cơ sở hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ, cụ thể là cung cấp dịch vụ sân bay, cảng biển.
Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Với đặc điểm ngành hạ tầng, năng lượng thì các thương vụ quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Năm là nông nghiệp. Trong vài năm qua có làn sóng nhà đầu tư lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và sau giai đoạn đầu tư sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy, các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, sẽ có sự phát triển trong chuỗi giá trị, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào mảng trồng trọt hay chăn nuôi, mà cả lĩnh vực chế biến và phân phối, bao gồm bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp.
Sáu là viễn thông, công nghệ. Tại Việt Nam, những cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel với vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, chủ trương tái cấu trúc VNPT và cổ phần hóa MobiFone sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Trong lĩnh vực công nghệ, cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam, các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái bắt đầu có những bước đột phá và nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong nước lẫn khu vực.
Bảy là dược phẩm, chăm sóc sức khỏe. Trong những năm qua, một số thương vụ trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đã được thực hiện, tuy nhiên cơ hội vẫn còn nhiều cho mục tiêu M&A. Những công ty dược quy mô lớn như Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco đã và đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Thế giới di động, FPT Retail, Digiwold - những công ty chuyên về phân phối điện máy đã có tín hiệu chuyển hướng sang phân phối dược phẩm thông qua việc mua lại các chuỗi cửa hàng dược phẩm. Các bệnh viện tư nhân cũng sẽ là mục tiêu đầu tư bởi nhu cầu khám chữa bệnh của 95 triệu dân đang trở nên quá tải đối với hệ thống bệnh viện công.
Để thúc đẩy các dòng vốn M&A
Thứ nhất, thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao nên chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
Thứ hai, hệ thống pháp lý và vấn đề thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện, tháo gỡ các rào cản cũng như vướng mắc về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam, cả DNNN cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận nhằm ra quyết định đầu tư.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”
Diễn đàn M&A Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 10 có chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” sẽ diễn ra hôm nay, 8/8/2018, tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM.
Với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cùng trên 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, Diễn đàn M&A 2018 tiếp tục ghi dấu ấn là sự kiện thường niên lớn nhất trong năm tại Việt Nam về mua bán và sáp nhập, kết nối đầu tư, nơi trao đổi kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A.
Diễn đàn sẽ chia sẻ những quan điểm, đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.