Năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều dấu ấn của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, ngoài 15 FTA đang thực thi, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với Israel (VIFTA), cùng đó, Việt Nam đã ký biên bản kết thúc đàm phán có điều kiện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE).
Báo cáo của Bộ Công thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết thành công 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.
Bộ đã chủ trì kết thúc đàm phán với Israel và ký biên bản kết thúc đàm phán có điều kiện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), đã mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết FTA Việt Nam-Israel (VIFTA). |
Việc triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Đơn cử như với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với các năm trước (trong đó gạo tăng hơn 2503%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng gần 3649%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng hơn 134%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng xấp xỉ 67%...).
Các con số trên cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã tận dụng tốt những lợi ích mà các FTA mang lại, vượt qua những khó khăn về chuỗi cung ứng và thách thức từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Năm qua, các đối tác thương mại lớn của nước ta giảm mua hàng hóa, xuất khẩu cả năm cán đích 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với 2022. Nhưng so với mức giảm hơn 12% của nửa đầu năm, càng về cuối năm, đà giảm càng được thu hẹp.
Xuất khẩu đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,6% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 5,9% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 3,4%...).
Thông qua cánh cửa hội nhập, doanh nghiệp không chỉ nhận được vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, góp phần vào sự ổn định an sinh xã hội.
Đối với người tiêu dùng, Bộ Công thương nhận định, sự tham gia trong các FTA mang lại cơ hội tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, với giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, việc tham gia vào các FTA đã củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường mối quan hệ với các đối tác quan trọng và đảm bảo một môi trường ổn định để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của đất nước.
Năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao kinh tế, thương mại toàn cầu vẫn yếu, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khả năng đa dạng hóa các thị trường, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA.
Bộ Công thương khẳng định sẽ tăng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu
Tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.