Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, mà gần đây là dưới tác động của “sự kiện biển Đông” hay giá dầu sụt giảm, nhà đầu tư hiểu rõ hơn tác dụng và ý nghĩa của bộ chỉ số HOSE Index và bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiều hơn một chỉ số tham chiếu, ngoài chỉ số VN-Index truyền thống.
Thị trường từng có khá nhiều ý kiến đánh giá, chỉ số VN-Index không theo kịp diễn biến của các cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Lý do là nhiều cổ phiếu như GAS, BID, VCB… có giá trị vốn hóa rất lớn, nhưng lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng lại rất thấp. Khi nhà đầu tư mua hoặc bán những mã cổ phiếu này là có thể tác động đến VN-Index, chỉ số tăng hoặc giảm quá mức, không phản ánh đúng thực trạng biến động giá của toàn thị trường. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu muốn VN-Index tăng thì họ mua cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như GAS, còn khi muốn chỉ số xuống, chỉ cần bán những cổ phiếu đó là xong. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra là phải xem xét lại cách tính chỉ số VN-Index.
Cách đây tròn 1 năm, HOSE đã có giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Ngày 27/1/2014, HOSE chính thức ban hành bộ chỉ số HOSE Index làm bộ chỉ số tham chiếu mới, bên cạnh chỉ số cũ VN-Index. Nếu như VN-Index là chỉ số ra mắt từ ngày đầu thị trường chứng khoán thành lập và là chỉ số tổng hợp, bao gồm tất cả cổ phiếu niêm yết trên HOSE, được tính toán theo phương pháp giá trị vốn hóa chưa điều chỉnh free float (tức là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành), thì bộ chỉ số HOSE Index gồm 5 chỉ số tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh free float: VN 30 (gồm mã 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn nhất, ra mắt từ tháng 2/2012), VN Midcap (gồm mã 70 cổ phiếu), VN Smallcap, VN100 (gồm 100 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 và VN Midcap), VN Allshare. Việc lựa chọn các cổ phiếu vào rổ chỉ số sẽ được xem xét định kỳ 6 tháng/lần vào tháng 7 và tháng 1 hàng năm. Tất cả các chỉ số này đều được tính toán căn cứ trên tỷ lệ free float trên thị trường lớn hơn 10%, ngoại trừ trường hợp, Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường.
Khi HOSE giới thiệu 4 chỉ số thuộc bộ chỉ số HOSE Index vào đầu năm 2014, mỗi chỉ số phản ánh một phân khúc khác nhau trên thị trường, trong đó, bộ chỉ số đại diện cho nhiều cổ phiếu nhất trên thị trường chính là chỉ số VN Allshare. Hiện tại, chỉ số VN Allshare đang phản ánh diễn biến giá của 244 mã cổ phiếu, với giá trị vốn hóa chiếm khoảng 80% và đại diện hơn 90% giá trị giao dịch của toàn thị trường. Trong năm 2014, chỉ số VN-Index có mức tăng trưởng 8,15%, chỉ số VN Allshare có mức tăng trưởng 9,46%.
Cũng có câu hỏi đặt ra là tại sao không thay thế luôn chỉ số VN-Index bằng chỉ số VN Allshare, khi VN Allshare đang được đánh giá là có nhiều điểm ưu việt hơn so với VN-Index? Trên thực tế, mỗi chỉ số đều mang ý nghĩa riêng. VN-Index là chỉ số đã gắn bó và đại diện cho thị trường chứng khoán từ những ngày đầu thành lập (năm 2000). Sự ra đời của VN Allshare nhằm mục đích chính là khắc phục những hạn chế của VN-Index. Hai chỉ số này sẽ song song tồn tại, đồng hành cùng thị trường.
Như vậy, HOSE đã cung cấp thêm một sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi có thêm một bộ chỉ số tham chiếu để các nhà đầu tư có thể đánh giá được bao quát hơn về diễn biến của thị trường chứng khoán.
Ví dụ, tại thời điểm cuối tháng 12/2014, khi thị trường có những biến động, nhất là khi giá dầu thế giới giảm mạnh, đây chính là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư nhận ra những ưu điểm của bộ chỉ số HOSE Index, trong đó chỉ số VN Allshare mang tính đại diện cao và được tính toán theo tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên thị trường, đồng nghĩa với việc chỉ số VN Allshare phản ánh sát hơn những diễn biến trên thị trường.
Trong những thời điểm then chốt như vậy, nhà đầu tư mới hiểu rõ hơn về bộ chỉ số mới của HOSE ban hành và chuyển đổi sang sử dụng một chỉ số tham chiếu mới, ngoài chỉ số VN-Index truyền thống. Đó cũng chính là mục đích cuối cùng của HOSE khi ban hành bộ chỉ số HOSE Index.