HNX đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới.

HNX đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới.

Dấu ấn 5 năm của thị trường chứng khoán phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 5 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh thực sự trở thành kênh đầu tư mới, hiện đại và có sức hút lớn với thị trường.

Sức hút phái sinh

Ngày 21/7/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông báo số 448/TB-BTC giao Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổ chức hoạt động giao dịch và thanh toán của thị trường chứng khoán phái sinh ngay sau khi Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 có hiệu lực thi hành. Đây là bước cụ thể hoá quan trọng ý tưởng xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh được khai trương hoạt động, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.

Vốn là một thị trường tài chính bậc cao và còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó, theo định hướng của Chính phủ, sản phẩm hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh đơn giản nhất đã được triển khai đầu tiên. Ở thời điểm ban đầu, HNX chỉ đưa vào giao dịch 4 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30.

Năm 2019, sau 2 năm hoạt động, HNX cho ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thêm một sản phẩm đầu tư và công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuy nhiên đối tượng giao dịch chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức.

Năm 2021, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nhằm đáp ứng sát hơn nữa nhu cầu phòng vệ trên thị trường trái phiếu chính phủ cơ sở, bổ sung đối tượng được phép giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm, ngoài các nhà đầu tư tổ chức còn có các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.

Hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh được HNX thực hiện ngay từ khi khai trương thị trường, với đầy đủ hệ thống tiêu chí giám sát và cập nhật, bổ sung phù hợp với diễn biến thị trường qua từng giai đoạn, đảm bảo phát hiện kịp thời các dấu hiệu giao dịch bất thường để báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định.

Sau 5 năm khai trương, thị trường chứng khoán phái sinh đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư trên thị trường. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh lên tới 1.054.683 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 7/2022, tăng gấp 423 lần so với thời điểm khai trương thị trường vào năm 2017.

Số lượng công ty chứng khoán trở thành thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đã lên tới 23 công ty, tăng gấp 3,3 lần so với 2017.

Đáng chú ý, quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng mạnh qua từng năm. Năm 2017, khi sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 mới được đưa vào giao dịch, khối lượng giao dịch bình quân chỉ ở mức 10.954 hợp đồng/phiên, thì trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 đã tăng gấp 21,3 lần, đạt 213.041 hợp đồng/phiên.

Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 cao nhất lên tới 506.025 hợp đồng tại ngày 21/6/2022, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa đạt hơn 62.000 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 cao nhất lên tới 506.025 hợp đồng tại ngày 21/6/2022, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa đạt hơn 62.000 tỷ đồng.

Khối lượng hợp đồng mở (OI) của sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 tại thời điểm cuối tháng 7/2022 đạt 40.232 hợp đồng, gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Mức OI cao nhất lên tới 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1/2021.

Thanh khoản của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đặc biệt tăng mạnh tại những thời điểm chỉ số VN30 giảm mạnh do ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hay sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu.

Tiềm năng rộng mở

Với mong muốn tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán phái sinh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của công chúng đầu tư, HNX đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới theo sự phân công của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, không chỉ là các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn có các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ.

Lộ trình cho mỗi sản phẩm sẽ theo sát chủ trương được Chính phủ phê duyệt, gắn với mức độ ổn định của hạ tầng công nghệ cũng như mức độ sẵn sàng của thị trường.

Hệ thống giao dịch bù trừ thanh toán mới thuộc gói thầu với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đang được tích cực thử nghiệm và khi hoàn thiện được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm nhiều chức năng giao dịch ưu việt cho thị trường phái sinh, đảm bảo định hướng phát triển dài hạn của thị trường.

Bên cạnh đó, HNX cũng đề xuất các cơ quan quản lý và nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.

Có thể nói, sau 5 năm hoạt động, thị trường phái sinh thực sự trở thành kênh đầu tư hiệu quả với công cụ đầu tư và đồng thời là công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu đối với danh mục chứng khoán cơ sở, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cơ sở, góp phần cải thiện cơ sở nhà đầu tư, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức vì nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường sụt giảm.

Tin bài liên quan