Thép Sông Hồng đang chìm trong nợ nần
Đây là động thái mới nhất trong cuộc tái cấu trúc chật vật từ đầu năm nay của Thép Sông Hồng, công ty con của Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng). Câu chuyện này không chỉ là vấn đề của một công ty sản xuất thép có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, mà còn liên quan đến việc xử lý nợ của một loạt ngân hàng như VIB, MSB, HDBank… và phương cách thoái vốn nhà nước tại những DN làm ăn kém hiệu quả.
Lãnh đạo Thép Sông Hồng cho biết, Công ty đã làm việc với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được vài tháng nay, nhưng cũng “chưa có kết quả gì cụ thể”. Thêm vào đó, vị lãnh đạo này cho biết, việc chưa đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong việc tái cấu trúc Công ty đang là khó khăn lớn nhất đối với cuộc tái cấu trúc của Thép Sông Hồng. Tính đến cuối quý I/2012, tổng số nợ ngân hàng của Thép Sông Hồng vào khoảng 350 tỷ đồng, theo bản công bố thông tin của Công ty. “Nếu việc làm việc với DATC không có kết quả, Thép Sông Hồng sẽ phải nghĩ đến cả trường hợp giải thể”, vị này nói.
Một nguồn tin khác là lãnh đạo một trong các ngân hàng chủ nợ cho biết, quá trình làm việc của DATC với Thép Sông Hồng gần 2 tháng qua có sự tham gia của một số chủ nợ, Tổng công ty Sông Hồng và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ (địa phương nơi Thép Sông Hồng hoạt động kinh doanh). Trong đó, quan điểm chung của các bên là tháo gỡ khó khăn cho Thép Sông Hồng, chứ không muốn đẩy Công ty đến bước phá sản.
Trong khi đó, đại diện một chủ nợ lớn của Thép Sông Hồng cho biết, ngân hàng vẫn đang làm việc với Tổng công ty Sông Hồng và Thép Sông Hồng để cơ cấu nợ cho Công ty. Khoản cho vay của ngân hàng này được đảm bảo bằng một thư bảo lãnh trị giá 100 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Hồng và lượng hàng trong kho của Thép Sông Hồng. “Quan điểm của chúng tôi là nỗ lực đến cùng để tháo gỡ khó khăn cho DN”, đại diện ngân hàng này trả lời ĐTCK.
Để mua nợ gắn với tái cấu trúc Thép Sông Hồng, DATC sẽ phải định giá lại tài sản của DN. Nhưng việc định giá chính xác công ty này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Còn nhớ, hồi tháng 8 năm nay, khi cổ phiếu của Thép Sông Hồng chỉ đáng giá âm (-) 8.800 đồng/CP nếu chiếu theo giá trị sổ sách, nhưng Tổng công ty Sông Hồng vẫn mang 85% cổ phần sở hữu tại Thép Sông Hồng đi đấu giá tại HNX với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Kết quả chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia và buổi đấu giá bị hủy bỏ.
Giá trị sổ sách - 8.800 đồng/CP của Thép Sông Hồng được tính bằng cách chia vốn chủ sở hữu của Thép Sông Hồng, khi đó đang âm 103 tỷ đồng căn cứ theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của Công ty cho 11,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Các phương pháp định giá cổ phiếu khác như tính giá chiết khấu dòng tiền, chiết khấu dòng cổ tức hầu như không thể áp dụng cho Thép Sông Hồng, khi mà dòng tiền hoạt động của Công ty không ổn định và kết quả hoạt động tương lai không hề chắc chắn, trong khi lũy kế lỗ lớn khiến câu chuyện cổ tức trở nên xa vời.
Thế nhưng, theo Nghị quyết số 158/TĐSĐ-HĐTV ngày 27/4/2012 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Sông Đà (đơn vị từng là công ty mẹ của Tổng công ty Sông Hồng) về việc thông qua chủ trương thoái vốn tại CTCP Thép Sông Hồng của Tổng công ty Sông Hồng, giá thoái vốn phải không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Đại diện một ngân hàng tham gia quá trình tái cơ cấu nợ của Thép Sông Hồng chia sẻ, thực ra Công ty không phải là không còn cửa nào khác ngoài phá sản, bởi dây chuyền máy móc vẫn có thể vận hành tốt, nhân công vẫn có thể thuyết phục trở lại làm việc, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra. “Vấn đề là liệu Tổng công ty Sông Hồng có chấp nhận thực tế là đã đầu tư lỗ ở Thép Sông Hồng và phải rút lui, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới vào tái cấu trúc lại công ty hay không”, ông nói.
Vị lãnh đạo của ngân hàng nói trên nhận định, có lẽ phương án khả thi nhất hiện nay là tăng vốn tại Thép Sông Hồng để cổ đông mới tham gia vào DN, sau đó khi Công ty hồi phục thì mới có thể thoái vốn nhà nước như yêu cầu đặt ra.
“Tuy nhiên, để DATC có thể định giá cũng như giúp Thép Sông Hồng định giá được thì tất cả mọi thông tin hoạt động của Công ty, những con số lỗ phải được minh bạch hóa”, vị này cho biết và nói thêm: “Tôi cho rằng, quy định không được bán vốn nhà nước thấp hơn mệnh giá sẽ còn gây khó khăn cho nhiều DNNN cần phải tái cơ cấu khác nữa ngoài Thép Sông Hồng”.
Trong khi đó, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Thép Sông Hồng từ chối tiết lộ con số nợ cụ thể cho đến nay của Công ty.