Top 5 doanh nghiệp niêm yết có quỹ đất ở lớn nhất
Theo thống kê từ báo cáo thường niên năm 2018 của một số doanh nghiệp bất động sản (riêng VHM sử dụng số liệu báo cáo 6/2018 của một tổ chức tài chính chuyên nghiệp) thì Top 5 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có quỹ đất lớn nhất hiện nay là VHM, NVL, SCR (bao gồm đất khu công nghiệp), DXG và NLG.
Trong số các doanh nghiệp này, riêng DXG có xuất phát điểm là đơn vị thuần về phân phối bất động sản. Trải qua hơn 16 năm phát triển, DXG được đánh giá là một trong những đơn vị có thị phần lớn trên toàn quốc về phân phối đất dự án. Tổng doanh thu sản phẩm phân phối năm 2018 của DXG đạt hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm 30% thị phần bất động sản Việt Nam.
Nhờ giữ vững được vị thế dẫn đầu trong mảng phân phối bất động sản, DXG được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm thị trường cũng như nắm bắt được nhu cầu khách hàng, từ đó phát triển và khai thác hiệu quả quỹ đất. Đây cũng là tiền đề để DXG chuyển mình từ nhà môi giới bất động sản sang chủ đầu tư phát triển các dự án với quy mô vốn đầu tư gia tăng theo thời gian.
Tính đến cuối năm 2018, DXG có danh mục 39 dự án, quỹ đất 816 ha, tổng mức đầu tư 53.000 tỷ đồng, tập trung ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Nha Trang, Quảng Nam, Cần Thơ. Quỹ đất hiện có của Đất Xanh đủ đảm bảo cho tập đoàn này đầu tư, khai thác phát triển dự án cũng như đảm bảo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong 5 - 10 năm tới.
Được biết, giai đoạn 2017 - 2020, DXG tập trung khai thác các dự án có quy mô 5 - 20 ha; giai đoạn 2021 - 2023 hướng đến phát triển các dự án khu đô thị từ 20 ha trở lên. Không chỉ tập trung cho sản phẩm bất động sản căn hộ, đất nền mà Đất Xanh còn dự kiến mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, bất động sản khai thác cho thuê, đầu tư vào các khu đô thị có quy mô từ 100 ha trở lên.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng
Trong 5 năm gần nhất (2014 - 2018), DXG ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc; doanh thu từ 506 tỷ đồng năm 2014 tăng lên 4.645 tỷ đồng năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng tương tự, từ 168 tỷ đồng lên 1.178 tỷ đồng.
Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu cũng ghi nhận sự tăng gia tăng mạnh mẽ; trong đó tổng tài sản tăng từ 2.160 tỷ đồng năm 2014 lên 13.729 tỷ đồng năm 2018 (hàng tồn kho và khoản phải thu chiếm 83% tổng tài sản); vốn chủ sở hữu tăng từ 1.072 tỷ đồng lên 6.199 tỷ đồng.
Tổng nợ tăng từ mức 1.088 tỷ đồng lên 7.530 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh trong năm 2017 do DXG tập trung vốn để thực hiện các thương vụ M&A. Tuy nhiên, với tỷ trọng nợ và vốn chủ sở hữu tương đương nhau, công ty chứng khoán đánh giá, cơ cấu nguồn vốn này ở trạng thái an toàn.
6 tháng đầu năm 2019, DXG đạt 2.341 tỷ đồng doanh thu và 556,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt hơn 20% và 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản DXG đạt 15.949 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cuối năm 2018. Trong cơ cấu vốn, tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản giảm còn 19% từ mức 21% của đầu năm.
Thời điểm 22/7/2019, so sánh với một số doanh nghiệp cùng ngành, xét theo quy mô vốn hoá (xem bảng), DXG đứng thứ 8, nhưng hiệu quả hoạt động nằm trong tốp đầu với ROE 20,24% (vị trí thứ 3) và ROA 9,06% (vị trí thứ 2). Tuy nhiên, với EPS trượt 4 quý gần nhất 3.743 đồng, P/E tương ứng chỉ khoảng 5,05 lần, thấp hơn so với trung bình ngành.