Theo đó, kể từ phiên 20/01 đến 25/01, cổ phiếu DXG đã trải qua ba phiên tăng gần 22,3% lên 21.400 đồng/cổ phiếu và lọt vào top cổ phiếu tăng nóng nhất thị trường trong 3 phiên trở lại đây.
Cổ phiếu đã đắt so với định giá tại các công ty chứng khoán
Mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra định giá cổ phiếu DXG ngày 22/01/2020 với giá mục tiêu 15.000 đồng/cổ phiếu; ngày 21/01/2020, Tại Báo cáo triển vọng ngành Bất động sản dân cư năm 2021, Chứng khoán SSI đưa ra nhận định giá cổ phiếu DXG đã phù hợp với thị trường, đồng nghĩa dư địa tăng trưởng không còn đối với cổ phiếu bất động sản này. Trước đó ngày 12/11/2020, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra định giá 17.300 đồng/cổ phiếu.
Có thể thấy với thị giá hiện tại là 21.400 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DXG đã không còn rẻ so với định giá của các công ty chứng khoán.
Bối cảnh cổ phiếu tăng nóng, Công ty vừa công bố báo cáo lỗ năm 2020
DXG cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020 với doanh thu đạt 2.891 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ tới 432 tỷ đồng so với năm 2019 lãi 1.216,5 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp công bố báo cáo lỗ kể từ thời điểm niêm yết trên sàn.
Tốc độ tăng trưởng khoản phải thu của DXG giai đoạn 2017 - 2020 (Đơn vị: Tỷ VNĐ) |
Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục âm 361,2 tỷ đồng, đây là năm thứ 5 liên tiếp hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền và thâm hụt vốn kéo dài.
Trong đó, từ năm 2017 đến 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình là 12,1%, trong khi tốc độ tăng trưởng khoản phải thu trung bình tới 35,3%. Điều này càng khẳng định mô hình kinh doanh của DXG đang thâm hụt vốn kéo dài, doanh nghiệp liên tục huy động vốn từ cổ đông, chủ nợ thông qua trái phiếu, vay ngân hàng… để tài trợ cho quá trình mở rộng với dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 5 năm liên tiếp.
Cụ thể, nếu như tới cuối năm 2017 tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn chỉ 2.529,4 tỷ đồng thì tới cuối năm 2020 đã là 5.945,3 tỷ đồng, tăng 135% trong 3 năm.
Trong báo cáo của SSI Research cho rằng năm 2021, Đất Xanh có kế hoạch phục hồi mạnh mẽ từ việc bàn giao các dự án đã hầu như bán hết, bao gồm Opal Boulevard (Bình Dương), St. Moritz (Thủ Đức) và một phần Gem Sky World (Long Thành).
Công ty tiếp tục bán dự án thấp tầng Gem Skyworld (Đồng Nai) và đặt mục tiêu mở bán 2 dự án chung cư mới có quy mô tầm trung tại Bình Dương. Trong khi đó, dự án Gem Riverside tại quận 2, TP.HCM vốn đã bị đình trệ trong 2 năm gần đây do quá trình xin cấp phép kéo dài cũng có triển vọng tái khởi động và mở bán lại.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của kỳ vọng vào một năm 2021. Nếu như mọi chuyện tốt đẹp, doanh nghiệp bàn giao được dự án cho nhà đầu tư, thủ tục pháp lý được cấp phép cho các dự án. Tuy nhiên, trong năm 2020 doanh nghiệp cũng từng có lời hứa với cổ đông khi ghi nhận doanh thu từ 700 lô đất thuộc dự án Gem Sky World Long Thành (Đồng Nai), nhưng do thủ tục pháp lý chậm hơn dự kiến, việc ghi nhận vẫn không diễn ra được.
Trong khi dự án Gem Riverside tại quận 2, TP.HCM vốn đã bị đình trệ trong 2 năm cũng chưa chắc có thể triển khai được trong năm 2021.
Được biết, đây là hai dự án có tồn kho lớn nhất tính tới 31/12/2020 với tổng giá trị lên tới 5.111,5 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng tồn kho của các dự án mà doanh nghiệp triển khai.
Có thể thấy, sau khi thị trường trải qua giai đoạn tăng nóng, nhờ tiền lãi kiếm được giai đoạn trước đó đã giúp nhà đầu tư khá tự tin khi giải ngân vào các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng và dòng tiền mà chưa xem xét kỹ tới tính khả thi của từng kế hoạch. Điều này trái ngược hoàn toàn với nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp Dragon Capital liên tục thoái vốn tại DXG. Bên cạnh đó, nhóm quỹ Korea Investment Management Co., Ltd (Hàn Quốc) cũng bán ra và không còn là cổ đông lớn tại DXG.