Tại cuộc họp báo chuyên đề về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc, nếu sự việc tại VFS rơi vào cảnh “ván đã đóng thuyền”, các bên liên quan chứng minh được rằng họ định giá đất theo đúng quy định vì đây đều là đất thuê, trả tiền hàng năm, sẽ có giải pháp gì để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước tới đây?
Ông Tiến cho biết, đất đai của Hãng phim truyện được quy hoạch như nào thì sử dụng như vậy, nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải được TP Hà Nội cho phép. Trong phương án cổ phần hóa VFS chỉ nêu đất đai đó tiếp tục được sử dụng với mục đích làm xưởng phim.
Trước phản ánh của các nghệ sỹ về hoạt động bi bét của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược không có ngành nghề chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất phim, ông Tiến cho rằng, hơn ai hết, người lao động, tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp triển khai cổ phần hóa phải tích cực, tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu người lao động không đồng thuận, việc chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ phải dừng lại.
“Ở trường hợp này, đến khi ván đã đóng thuyền, các nghệ sĩ mới phản ánh vấn đề thì khó cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư. Lúc có quyền tại sao chúng ta không nói”, ông Tiến nêu vấn đề.
Tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, doanh nghiệp sau cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị nắm giữ 65% cổ phần chưa từng có kinh nghiệm về làm phim. Nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư chủ yếu nhắm đến khu “đất vàng” số 4 Thụy Khuê.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cho biết 9 tháng mới có 11 doanh nghiệp cổ phần hóa xong. So với mục tiêu của cả năm 2017 là cổ phần hóa được 44 doanh nghiệp, con số này là quá thấp.
Tuy nhiên, điều đáng nói tình trạng doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán chiếm số lượng rất lớn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã công bố danh tính 747 doanh nghiệp đã được công khai trên trang thông tin điện tử Bộ Tài chính. Tới đây những doanh nghiệp vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Về tình hình thoái vốn, cũng theo ông Tiến, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã thoái 3.838 tỷ đồng, thu về cho ngân sách 15.998 tỷ đồng.
Hai trong số các doanh nghiệp Nhà nước được các nhà đầu tư quan tâm là Habeco và Sabeco được cho là sẽ góp phần bảo đảm được nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm này là 60.000 tỷ đồng.
Bởi vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12 tới.
Nếu như đến ngày 30/9, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo tiến độ thoái vốn nhà nước.