Đất Ứng Hòa không “sốt” như tin đồn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung tâm thị trấn Ứng Hòa không ồn ào, tấp nập như các quận, huyện giáp trung tâm TP. Hà Nội. Chúng tôi đã đi lại mấy vòng quanh khu thị trấn Vân Đình, những mong tìm một văn phòng giao dịch nhà đất, nhưng “lực bất tòng tâm”.

1. Ngay sau khi có tin Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bố trí phương án xây dựng sân bay thứ hai tại Ứng Hòa, trên thị trường đã rộ lên tin đồn phân khúc đất nền khu vực này tăng giá, “ăn theo" quy hoạch.

Trên các trang rao vặt địa ốc có chung một “giọng văn” là giá đất tăng cao, kiểu “giá đất ban đầu ở xã Hòa Nam ở vị trí đẹp nhất chỉ vào khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng những ngày qua tăng từng ngày, ban đầu là tăng 14 triệu đồng/m2 rồi lên 20 triệu đồng, hiện tại là 25 triệu đồng/m2”...

Rất khó tìm một văn phòng nhà đất tại Ứng Hòa. Ảnh: Nhất Nam

Rất khó tìm một văn phòng nhà đất tại Ứng Hòa. Ảnh: Nhất Nam

Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên Đầu tư Chứng khoán cuối tuần qua tại khu vực trung tâm huyện Ứng Hòa lại cho một cảm nhận khác, dường như ở đây chưa hình thành thị trường bất động sản. Dạo vòng quanh khu trung tâm UBND huyện, rất nhiều các hàng quán, biển quảng cáo, dịch vụ ăn uống, buôn bán, shop quần áo, điện tử… nhưng rất khó để tìm được một văn phòng giao dịch bất động sản. Thực tế này khác hẳn so với những khu vực “nóng”về bất động sản như Láng Hòa Lạc, Lương Sơn, Ba Vì, Đông Anh…, khi mà chỉ cần đặt chân đến là thấy đầy rẫy biển quảng cáo, văn phòng giao dịch, tư vấn bất động sản…

“Chị có biết thông tin đề xuất quy hoạch sân bay ở xã nào của Ứng Hòa mình không?”. Câu hỏi của chúng tôi khiến chị Bình, chủ quầy bán đồ uống ngay tại khu được quy hoạch thành Trung tâm thương mại Vân Đình, đối diện UBND huyện Ứng Hòa ngơ ngác trả lời: “Sân bay nào, chúng tôi bán hàng nước ở đây hàng ngày, tiếp xúc bao nhiêu người, nhưng có thấy ai nói đến quy hoạch sân bay hay mua bán đất cát nào đâu”.

Ghé sang hỏi thêm một vài người bán hàng gần đó cũng đều nhận được chung một câu trả lời là không biết việc có đề xuất Ứng Hòa làm sân bay và cũng không có thông tin gì đến việc mua bán đất.

Tiếp tục lân la dò hỏi, chúng tôi đến chủ một quán vịt nổi tiếng ở đường Quang Trung, thị trấn Vân Đình ăn trưa và tìm cách bắt chuyện ông chủ. Được nhờ tìm mua đất gần khu đề xuất quy hoạch sân bay Ứng Hòa, anh Dũng, chủ quán cho biết rằng, mình có nghe đến đề xuất làm sân bay, nhưng đấy cũng chỉ là quy hoạch thôi. Còn đất thì gần như chả có ai mua bán gì, cùng lắm chỉ những người dân mua để ở chứ không có thị trường giao dịch.

"Anh thấy đấy, cả thị trấn còn không có một văn phòng giao dịch đất đai thì lấy ai mua bán”, ông chủ quán nói và chia sẻ thêm rằng, đất ở đây rộng nên dân bản địa ít có nhu cầu mua bán, giao dịch.

Ứng Hòa chưa hình thành thị trường bất động sản. Ảnh: Nhất Nam

Ứng Hòa chưa hình thành thị trường bất động sản. Ảnh: Nhất Nam

"Tôi nghe mấy anh bạn bảo có mấy môi giới từ các quận, huyện ở Hà Nội về, họ trả rất cao lên đến 60 triệu đồng/m2, nhưng không biết có xuống tiền hay không. Trong khi đất vị trí đẹp, khu chúng tôi cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2”.

Mang câu chuyện sốt đất Ứng Hòa đến chia sẻ với ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc, ông cho biết, thực ra các thông tin về sốt đất ở Ứng Hòa sau khi có đề xuất quy hoạch sân bay là không có cở sở, không đủ độ tin cậy, bởi Ứng Hòa là khu vực xa và trái tuyến giao thông so với Hà Nội, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn. Do đó, ở khu vực này chưa hình thành thị trường địa ốc, có chăng chỉ các giao dịch nhỏ lẻ, mua đi bán lại của người dân với nhau.

Cũng theo ông Quyết, nếu Ứng Hòa được quy hoạch làm sân bay thì đất khu vực này cũng khó “tạo sóng”, phần vì nơi đây chưa đáp ứng đủ các điều kiện để thị trường địa ốc phát triển, đồng thời các nhà đầu tư, người dân quá quen với các “làn sóng” đầu tư “ăn theo” quy hoạch và đã gặp nhiều bài học đắt giá như ở các đặc khu kinh tế, Mê Linh, Đông Anh… nên sẽ dè chừng.

“Ngay như sân bay Long Thành, chúng tôi có dự án gần đấy, nhưng rất khó giao dịch”, ông Quyết nói.

2. Trong góc nhìn của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc Hà Nội đề xuất làm sân bay ở Ứng Hòa cũng giống như cách đây một số năm, TP.HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất lên xuống, nhiều lần, thậm chí lừa đảo xảy ra trong giao dịch đất ở khu vực Long Thành.

Chuyện tại Ứng Hòa lần này, theo ông Đính, rất khó để “tạo sóng” vì nhà đầu tư đã thông minh hơn và đặc biệt các cơ quan chức năng cũng giám sát mạnh hơn sau hàng loạt vụ việc xử lý mạnh tay các trường hợp làm giá, lừa đảo, lập dự án ma… để mua bán. Nhiều giám đốc công ty địa ốc khu vực phía Nam đã bị bắt vì lừa đảo mua bán dự án.

Tại Hà Nội, mới đây, cơ quan công an Hà Nội đã vào cuộc tại dự án Văn Quán Riverside tại khu đường ngang (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoàng Cầu Riverside “vẽ” ra.

Khu quy hoạch trung tâm thương mại Vân Đình cũng ít người mua. Ảnh: Nhất Nam

Khu quy hoạch trung tâm thương mại Vân Đình cũng ít người mua. Ảnh: Nhất Nam

Theo ông Đính, chuyện Ứng Hòa làm sân bay mới chỉ đề xuất và đề xuất này có được đồng ý hay không còn cần rất nhiều thời gian.

“Hà Nội khi đưa vấn đề này ra thì cũng phải lường được bài học về cơn 'sốt đất' như ở Long Thành, Thạch Thất để có biện pháp quản lý, kiểm soát các hoạt động về đất đai”, ông Đính khuyến cáo.

Đồng quan điểm này, trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản RB land cho biết, đây mới chỉ là đề xuất và không chỉ Ứng Hòa, trong đó còn có các địa phương khác.

Tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65 km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40 km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50 km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, việc đề xuất xây dựng sân bay ở Ứng Hòa là chưa thuyết phục. Ông Võ cho rằng, không thể so sánh khu vực Đồng bằng sông Hồng như các tỉnh Đông Nam Bộ, bởi các tỉnh này là vùng công nghiệp phát triển rất mạnh. Sân bay Nội Bài là quy hoạch chiến lược từ trước đây, với khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Hà Nội hiện nay là vừa phải.

Do đó, cần tập trung vào phát triển và mở rộng sân bay Nội Bài, thay vì vẽ ra các dự án khác, bởi nguồn vốn đầu tư cho sân bay lớn trong khi đại dịch Covid-19 đang khiến nguồn thu ngân sách bị thâm hụt và tình trạng này có thể cần vài năm mới hồi phục.

“Như vậy chưa cần thiết phải đầu tư sân bay mới, đừng tốn đầu tư công vào các chuyện chưa cần thiết”, Giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến cáo.

Tin bài liên quan