Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc tọa đàm
Tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, thể hiện trên các kết quả rất tích cực. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác FDI lớn thứ hai, quốc gia có lượng khách du lịch đông thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô thương mại đạt 360 tỷ USD, gấp hơn 1,7 lần GDP. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 300 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký và hơn 155 tỷ USD vốn thực hiện của hơn 22.000 doanh nghiệp FDI từ 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2016, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,21%, đây là mức cao so với mặt bằng chung của các nước đang phát triển trong khu vực.
“Với tầm nhìn Nhật Bản sớm trở thành đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư gắn với tăng trưởng xanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của mình có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có quan hệ hợp tác với Việt Nam đi cùng. Hiện nay, ASEAN là trung tâm tăng trưởng của thế giới, Việt Nam cũng nằm ở trung tâm đó.
“Hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua đầu tư tạo việc làm và chuyển giao công nghệ”, Thủ tướng Abe nói và đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp Nhật Bản, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 300 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký và hơn 155 tỷ USD vốn thực hiện của hơn 22.000 doanh nghiệp FDI từ 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang xây dựng và triển khai các nhóm chính sách để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám chấp nhận thử thách hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong môi trường toàn cầu.
Hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong đó có một số thương hiệu mạnh như Viettel, Vietjet, FPT, Vingroup… Tuy nhiên, số lượng và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn so với Nhật Bản, với bề dày lịch sử phát triển các thương hiệu toàn cầu và hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên tôn chỉ liêm chính sáng tạo.
Theo ông Trung, Việt Nam xác định khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cùng hợp tác phát triển.
“Bước đầu đã có những hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp hai bên như Vietinbank, Vietnam Airlines, VEAM, FPT thông qua hình thức liên doanh, góp vốn cổ phần, M&A… Tôi tin rằng, cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản là vô cùng to lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo, giao thông, công nghệ thông tin, năng lượng, thương mại dịch vụ, bất động sản, cũng như các dự án khởi nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Là một trong những điển hình hợp tác và kinh doanh thành công tại Nhật Bản, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) cho biết, Nhật Bản đã trở thành thị trường quan trọng số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, với doanh thu luôn chiếm khoảng 50% tổng từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn.
Theo ông Tiến, FPT Nhật Bản đặt mục tiêu năm 2017 đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn tại Nhật Bản. Đồng thời, dự kiến đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT.