“Đại công trường” khai thác cát sỏi trái phép ở đầu nguồn sông Nong với các phương tiện mang đặc hiệu “TT123” do ông Nguyễn Hữu Thành Tâm và bà Nguyễn Thị Huệ (mẹ ông Tâm) làm chủ. Ảnh chụp ngày 8/5/2023. Ảnh: P.V
Báo cáo “bỏ lọt” đại công trường cát lậu
Ngày 4/7/2023, ông Hoàng Văn Đề, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đã ký báo cáo số 272/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xử lý việc khai thác khoáng sản không phép tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Báo Đầu tư đã có bài điều tra).
Báo cáo này thực hiện theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương sau chuyến kiểm tra thực tế hiện trường có mỏ đất không phép tại thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn (thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, do HTX An Nong 1 quản lý) ngày 28/6/2023 (Báo Đầu tư đã thông tin).
Đáng chú ý, sau khi dẫn tiến trình xác minh, kiểm tra của UBND xã Lộc Bổn và phòng ban liên quan, báo cáo nói trên chỉ ra người có tên là Nguyễn Hữu Thành Tâm (trú tại thôn Hòa Vang 4, xã Lộc Bổn) đã có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ), không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với khối lượng 1.517,0 m3 (trên 50 m3 ), tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn”.
Trước đó, trong các tháng 4, 5 và tháng 6/2023, UBND huyện Phú Lộc cũng đã có một số văn bản chỉ đạo UBND xã Lộc Bổn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, Công an huyện Phú Lộc xác minh, xử lý; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn theo yêu cầu tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 11/5/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, ngoài hành vi vi phạm của ông Nguyễn Hữu Thành Tâm là khai thác đất không phép tại thửa đất nói trên của HTX An Nong 1, thì không có hành vi nào khác được phát hiện và nhắc tới.
Công trường cát sỏi lậu của “TT123” nhìn từ trên cao. Ảnh chụp ngày 8/5/2023. Ảnh: P.V. |
Trong khi đó, thực tế là chúng tôi ghi nhận các phương tiện của ông Tâm không chỉ khai thác đất không phép trên thửa đất trồng rừng tại thôn Hòa Vang 1, mà nhiều phương tiện của ông Tâm cũng như do thân mẫu của vị này là bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1966, trú tại Lộc Bổn) đứng tên làm chủ xe còn ồ ạt khai thác cát sỏi lòng sông không phép, biến lòng sông Nong thành “đại công trường” để trục lợi.
Điều ngạc nhiên là hành vi này diễn ra ngay sau khi ông Tâm làm việc và thừa nhận với cơ quan công an việc tổ chức các phương tiện xe ben, máy múc khai thác đất không phép tại thửa đất trồng rừng tại thôn Hòa Vang 1. Rồi cũng chính các phương tiện này tham gia khai thác cát sỏi lòng sông phi pháp tại thượng nguồn sông Nong.
Cụ thể, trong tháng 5/2023, chúng tôi ghi nhận một số phương tiện cơ giới máy múc bánh lốp lẫn bánh xích hằng ngày quần thảo trên thượng nguồn sông Nong múc cát lòng sông, trung chuyển bằng xe ben tải lên bờ tập kết. Sau đó, một khối lượng cát rất lớn được các xe ben tải tự hành mang biển kiểm soát 75C - 109.54, 75C-079.18, 75C-091.52… vận chuyển đưa về trung tâm xã tập kết, tiêu thụ.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, thượng nguồn sông Nong và xã Lộc Bổn không có mỏ cát lòng sông nào được cơ quan có thẩm quyền khai cấp phép khai thác. Do vậy, một khối lượng cát rất lớn trên sông Nong đã bị “Tập đoàn TT123” khai thác, trục lợi.
Các phương tiện này do ông Tâm làm chủ xe, hoặc đứng tên mẹ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1966) làm chủ. Ông Tâm chính là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát, đóng tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn.
Hành vi khai thác cát sỏi lòng sông Nong đã bị bỏ qua trong báo cáo của UBND huyện Phú Lộc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành vi khai thác cát sỏi lòng sông Nong trái phép của ông chủ “Tập đoàn TT123”, cũng như thân mẫu của vị này đã bị “lướt” qua và không được báo cáo lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bất thường trong xử lý sai phạm?
Theo báo cáo số 272/BC-UBND của UBND huyện Phú Lộc, ngày 3/7/2023, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đã ký ban hành Quyết định số 2205/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, do đã có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với khối lượng 1.517,0 m3 (trên 50 m3) tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn, vi phạm quy định tại tại điểm e, khoản 1, Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thuỷ văn; đo đạc và bản đồ). Theo đó, ông Tâm bị phạt 45.000.000 đồng.
Phương tiện mang tên chủ xe là bà Nguyễn Thị Huệ (mẹ ông Nguyễn Hữu Thành Tâm) vận chuyển cát sỏi lậu trên sông Nong. Ảnh: P.V. |
Cùng với đó, ông Tâm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn; buộc chi trả kinh phí đo đạc để xác định khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã khai thác với số tiền là 931.000 đồng; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) không sử dụng vật liệu nổ, công nghiệp trong trường hợp đã tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật, số tiền phải nộp lại là 55.963.000 đồng. Như vậy, tổng mức tiền ông Tâm phải nộp theo Quyết định số 2205/QĐ-XPHC của UBND huyện Phú Lộc là gần 102 triệu đồng.
Bãi tập kết kinh doanh cát sỏi của Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn do ông Nguyễn Hữu Thành Tâm làm Giám đốc. Ảnh: P.V. |
Quyết định xử phạt nói trên của UBND huyện Phú Lộc đã gây ra những nghi vấn, liệu rằng hành vi phạm pháp của chủ một doanh nghiệp liệu có bao che? Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi ông Nguyễn Hữu Thành Tâm hiện là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát, đóng tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn. Hành vi sai phạm khai thác đất không phép xảy ra tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại thôn Hòa Vang 1 diễn ra trong một thời gian dài, có tổ chức phương tiện chuyên nghiệp, có những cá nhân được chỉ đạo điều hành tham gia khai thác như vị này từng thừa nhận với công an xã Lộc Bổn.
Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát đã tổ chức bãi tập kết cát, sỏi khoáng sản tại thôn Hòa Vang để cung ứng, bán cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, trong khi ngành thuế không thu được đồng nào từ nguồn mua bán khoáng sản của doanh nghiệp này.
Liệu rằng đây có phải là hành vi trốn thuế hay không, đây là dấu hỏi cần được cơ quan chức năng huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra, xác minh, làm rõ.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, một luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế (đề nghị giấu tên) nêu quan điểm, việc ban hành quyết định xử phạt trong trường hợp đối với ông Tâm là xử phạt đối với tổ chức, là người đại diện cho doanh nghiệp nên mức xử phạt phải tăng gấp đôi theo quy định, không thể xử phạt cá nhân đơn lẻ vì ông Tâm là chủ doanh nghiệp; hành vi khai thác khoáng sản để tiêu thụ, mua bán là hoạt động của doanh nghiệp; doanh nghiệp có phương tiện và có ký hiệu nhận diện khi tham gia khai thác khoáng sản trái phép.
Không chỉ vậy, việc UBND huyện Phú Lộc không áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện tham gia khai thác khoáng sản trái phép là không đảm bảo quy định tại khoản 4, Điều 47, Nghị định số 36/2020/NĐ- CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Cụ thể, khoản 4, Điều 47 Nghị định này quy định Hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.”.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi vào chiều 7/6/2023, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở này đã nhận được Báo cáo số 272/BC-UBND của UBND huyện Phú Lộc báo cáo UBND tỉnh liên quan việc khai thác khoáng sản trái phép tại xã Lộc Bổn. Báo cáo này mang nội dung xử lý vi phạm tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, do HTX An Nong 1 quản lý.
Đây là thẩm quyền của UBND huyện, việc xem xét, đánh giá văn bản quy phạm xử lý hành chính này đã đảm bảo hay chưa là thuộc thẩm quyền Sở Tư pháp tỉnh. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Sở đang chỉ đạo Thanh tra Sở rà soát, kiểm tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm tại một số khu vực khoáng sản khác trên địa bàn xã Lộc Bổn và sẽ thông tin cho báo chí khi có kết quả cụ thể.
Bí thư Huyện ủy Phú Lộc nói gì về Công ty của người nhà?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát Nguyễn Hữu Thành Tâm là cháu ruột của ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc. Trong khi đó, mẹ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Huệ (cùng trú xã Lộc Bổn, chị ruột ông Mạnh) đứng tên làm chủ phương tiện một số xe ben ký hiệu “TT123” tham gia khai thác đất, cát trái phép tại Lộc Bổn. Liệu có phải vì mối quan hệ này, mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chùn tay xử lý nạn khai thác khoáng sản trái phép để “Tập đoàn TT123” lộng hành? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mạnh nói rằng: “Không nên đưa chuyện cá nhân, gia đình vào chuyện công việc, tập thể. Ai sai thì người đó chịu trách nhiệm, chịu xử lý theo quy định của pháp luật”. Ông Mạnh cũng khẳng định ông không “can thiệp vào việc xử lý của anh em”.