Điểm tập kết cát trá hình ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Điểm tập kết cát trá hình ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 4: Đá, cát tiêu thụ trá hình, trốn xuất hóa đơn

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ ngang nhiên qua mặt các cơ quan chức năng trong việc khai thác và vận chuyển khoáng sản, không ít doanh nghiệp đã có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản, như bán hàng không xuất hóa đơn.

Bài 4: Đá, cát tiêu thụ trá hình, trốn xuất hóa đơn

Một mét khối đá, cát xây dựng dù bán với giá hơn 200.000 đồng cũng phải xuất hóa đơn theo yêu cầu của người mua. Thế nhưng, loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện này được các chủ mỏ, “đại lý trung gian” treo giá bán bao nhiêu cũng được và đua nhau trốn xuất hóa đơn.

Đủ chiêu thức trốn hóa đơn

Dù chưa “bêu tên” cụ thể là doanh nghiệp nào, nhưng ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, một số doanh nghiệp khai thác cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản, như bán hàng không xuất hóa đơn; hoặc xuất hóa đơn, nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị thực tế thanh toán; không niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ, hoặc có, nhưng bán hàng không đúng với giá niêm yết…

Từ những dấu hiệu vi phạm mà ông Quang nêu ra, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời không chỉ tại Quảng Nam, mà còn ở các tỉnh lân cận (trong đó có TP. Đà Nẵng).

Trong vai người có nhu cầu mua đá xây dựng, ngày 10/6/2023, chúng tôi tìm đến mỏ đá Hố Hữu, (thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Nhìn bằng mắt thường, mỏ đá này có vẻ khá tuân thủ pháp luật vì có đủ trạm cân, camera, bảng báo giá…

Song điều ngạc nhiên đã đến, khi ông N.M.T, Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hiệp Phú (doanh nghiệp đang bán các loại đá xây dựng tại mỏ này) sẵn sàng bán 4.000 m3 đá (thành phẩm), nhưng tính hóa đơn chỉ 1.000 m3. “3.000 m3 còn lại, nếu không xuất hóa đơn thì chúng tôi sẽ giảm xuống cho ‘một giá’, nghĩa là giảm 10.000 đồng/m3”, ông T. tiết lộ.

Lý do ông T. chỉ giảm “một giá” đối với khối lượng đá không xuất hóa đơn là: “Cái này xử lý nhiều thứ. Thuế đồ các thứ. Mệt lắm! Đi qua trạm cân, camera phải lưu vào ổ cứng, camera của cơ quan thuế theo dõi nữa chứ phải mình đâu”. Ông T. giả dụ, khi bán đá, doanh nghiệp của ông xuất hóa đơn với giá trị tăng lên “một xíu”, thì bên mua phải chịu thêm thuế. “Ví dụ, một số đơn vị mua của mình với giá 295.000 đồng/m3, nhưng họ yêu cầu xuất hóa đơn cho họ là 330.000 đồng/m3, thì mình sẵn sàng xuất cho họ 330.000 đồng/m3, nhưng họ phải chịu thuế”, ông T. “vẽ đường”.

Không đủ “can đảm” đưa cát vào lòng thành phố tập kết vì sợ bị “sờ gáy”, các “đại lý trung gian” sau khi thu mua cát tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã dạt ra vùng ven của TP. Đà Nẵng lập ra các điểm “tàng trữ” cát. Việc “lũng đoạn” giá cả đối với mặt hàng này chắc cũng từ đây mà ra.

Trong vai một nhà thầu thi công công trình có nhu cầu mua cát xây dựng, trưa ngày 4/6/2023, chúng tôi đến điểm tập kết cát nằm heo hút dưới chân núi Phước Tường (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). “Diện kiến” chúng tôi là một người đàn ông đang ngồi cai quản bãi cát trong căn chòi tạm. “Bãi cát tập kết này được mua lại từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”, người đàn ông này tiết lộ.

Trong khi tại các mỏ được cấp phép tại huyện Đại Lộc có giá bán chỉ hơn 110.000 đồng/m3, thì người này “hét giá” cát tại đây là 320.000 đồng/m3. Khi chúng tôi than giá cao, thì người đàn ông này hướng dẫn: “Vào trong quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) mà mua cho rẻ. Trong đó chỉ bán có 280.000 đồng/m3 thôi, mà đường vận chuyển hơi xa”.

Khi chúng tôi ngỏ ý mua cát với số lượng lớn để cung ứng cho các dự án xây khu đô thị mới, thì người này cho biết sẽ giảm giá xuống còn 310.000 đồng/m3. “Mua 10 m3, tôi tính 310.000 đồng/m3 cũng được”, người đàn ông này nói.

Anh bán cát có xuất hóa đơn không? “Hóa đơn là không có rồi đó. Làm chi có. Kiếm hóa đơn cát kiếm chi ra. Bữa nay họ tính 90.000 - 100.000 đồng/hóa đơn rồi, mà kiểm tra hóa đơn là… chết”, người đàn ông này nói. Vừa dứt lời, người này nhanh chân ra điều khiển máy xúc xúc cát lên chiếc xe tải vừa đến, đưa đi tiêu thụ.

Rời điểm tập kết cát trên, chúng tôi đến thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) và chứng kiến bãi tập kết cát ở đây mọc lên nhan nhản. Thậm chí, ngay sau lưng trụ sở Công an xã Hòa Sơn cũng trở thành bãi trữ cát. Hầu hết những bãi cát này đều nhập từ sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Tạt vào một “Đại lý cát Đại Lộc” nằm lộ thiên, cách trụ sở UBND xã Hòa Sơn chỉ vài trăm mét, một người đàn ông đang “quản” ở đây cho biết, ông bán với giá 250.000 đồng/m3, nhưng “nhảy múa” theo thời điểm. “Nay giá này còn đỡ đấy. Thời gian trước, mấy mỏ cát trong huyện Đại Lộc ‘đứng hết’ do bị thanh tra, nên giá cát ở Đà Nẵng bị đẩy lên rất cao”, người đàn ông này tiết lộ.

Khi chúng tôi nêu vị trí đổ cát sau khi mua là quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng), người này liền lắc đầu: “Dưới đó vận chuyển khó lắm. Xe lớn không vào được vì bị cấm”. “Nếu thi công ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) thì sao?”. “Liên Chiểu cũng khó, cũng bị cấm xe lớn chở cát. Em mua, thì anh đổ lúc 3 - 4 giờ sáng. Ở đây, anh bán chủ yếu khu vực trên Bà Nà thôi”, người đàn ông e dè. “Anh bán cát có hóa đơn chứ, hay tính theo khối lượng?”. “Mua nhiều thì xuất hóa đơn. Mua vài khối mà xuất gì. Mà muốn có hóa đơn thì anh phải gọi vào trong mỏ nói họ xuất mới được”, người đàn ông này đáp.

Người đàn ông "cai quản" bãi tập kết cát ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) nói, cát ở đây bán không có hóa đơn.

Người đàn ông "cai quản" bãi tập kết cát ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) nói, cát ở đây bán không có hóa đơn.

Bán cát xây dựng không xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, việc bán cát không xuất hóa đơn cho người mua là hành vi trốn thuế.

“Quy định đã có rồi. Nếu người mua cát yêu cầu mà người bán không xuất hóa đơn khi phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng. Mức xử phạt về thuế cao nhất lên đến 50 triệu đồng”, vị cán bộ này cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Quang khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cũng khẳng định, việc xuất bán khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác phải có hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn đầy đủ, ghi đúng số lượng, giá bán; có phiếu xuất kho đối với mỗi lần vận chuyển. Khi vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài khu vực tập kết nguyên liệu thành phẩm, phải có phiếu kết xuất dữ liệu từ trạm cân và lập sổ theo dõi, ghi rõ: loại, khối lượng khoáng sản, biển số phương tiện vận chuyển, ghi chép đầy đủ thông tin theo từng ngày, tháng, năm để làm cơ sở khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản…

“Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Chi cục Thuế khu vực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về kê khai nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản; sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua, bán khoáng sản của các doanh nghiệp. Đối với các trường hợp số liệu kê khai, nộp thuế có sai khác nhiều với công suất khai thác khoáng sản theo Giấy phép được cấp, thì kịp thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, truy xuất dữ liệu lưu trữ từ hệ thống camera giám sát để đối chiếu, so sánh, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng thực tế, bán khoáng sản không xuất hóa đơn, bán không đúng giá niêm yết, khai thác vượt công suất”, ông Quang cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Sương (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng), Điều 4, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ), trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

“Ngoài việc ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì hóa đơn còn là chứng từ gốc xác định doanh thu, từ đó làm cơ sở tính nhiều sắc thuế quan trọng liên quan, như thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc cơ sở kinh doanh bán cát xây dựng nhưng không xuất hóa đơn là vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ, vi phạm quy định của pháp luật về thuế. Hành vi này gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước khi tính, thu thuế của bên bán và người mua có thể sẽ không thể buộc bên bán phải chịu trách nhiệm nếu có rủi ro về hàng hóa, vì không có hóa đơn hợp pháp”, luật sư Nguyễn Sương nói.

Vị luật sư này còn cho biết, người bán có thể bị phạt tiền lên đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ và buộc phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước, điều chỉnh lại số lỗ/số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP”.

Ngày 16/6/2023, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.

Đà Nẵng về việc kiểm soát quá trình lưu thông hàng hóa là cát, sỏi trên địa bàn. Tuy nhiên, ông này né tránh và “đá bóng” sang các cơ quan khác. Dù chúng tôi nhiều lần nhắc lại nội dung làm việc là công tác kiểm soát lưu thông hàng hóa là cát, sỏi xây dựng, nhưng ông Trí vẫn một mực không chịu “xếp lịch” làm việc. “Cái đó em qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng… rồi mới qua bên anh. Sao em cứ…”, ông này tỏ ra khó chịu rồi dập máy.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan