Sau khi “no” cát, đoàn xe lách qua trạm cân và camera giám sát bằng lối cho các xe vào mỏ cát.

Sau khi “no” cát, đoàn xe lách qua trạm cân và camera giám sát bằng lối cho các xe vào mỏ cát.

“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí

0:00 / 0:00
0:00
Một khối lượng cát khổng lồ được vận chuyển chui ra ngoài trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng.

Nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi, hòng trốn thuế tài nguyên của doanh nghiệp khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) ở một số tỉnh miền Trung đã được nhận diện. Hành vi này, ngoài mối lợi lớn, có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, để doanh nghiệp mặc sức tung hoành.

Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí

Trạm cân và camera là thiết bị đắc lực để kiểm soát khối lượng cát thực tế chuyển ra khỏi mỏ khoáng sản. Thế nhưng, vào khung giờ cấm (sau 17 h hằng ngày), các thiết bị này biến thành vật trang trí. Một khối lượng cát khổng lồ được vận chuyển chui ra ngoài trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng.

Sau 17 h, trạm cân, camera bị vô hiệu hóa

Lần theo đường đi của những xe ben “ăn” cát đêm từ sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) về Đà Nẵng, nhóm phóng viên Báo Đầu tư đã giải mã được tại sao cát “chui” lại dễ dàng núp bóng dưới "lá bài" giấy phép khai thác khoáng sản.

Sau nhiều ngày theo dõi địa bàn, nhóm phóng viên Báo Đầu tư phát hiện, mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - do Công ty cổ phần Trường Lợi làm chủ) có dấu hiệu bất tuân quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông: “Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 h sáng đến 5 h chiều…”.

Cụ thể, lúc 17 h10 ngày 6/6/2023, ống kính của phóng viên ghi lại cảnh máy hút, xe múc, xe ben vận chuyển cát vẫn công nhiên hoạt động rầm rộ, mà không có bất cứ cơ quan chức năng nào giám sát, ngăn chặn. Máy hút, xe múc, xe ben đua nhau hoạt động như một "băng chuyền" trong vòng hơn 50 phút (kể từ sau 17 h ngày 6/6/2023).

Việc khai thác khoáng sản không đúng khung giờ, không qua trạm cân, camera là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản dẫn đến việc khai báo sản lượng không đúng, không có thông tin, cơ sở để thống kê sản lượng đã khai thác, cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Đây có thể được xem là hoạt động khai thác chui và có nguy cơ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng)

Từ bãi bồi sông Vu Gia và cầu Hà Nha, camera của phóng viên ghi lại cảnh bầy xe ben mang biển kiểm soát 92C-13497, 92C-12635… lần lượt rời khỏi khu vực mỏ sau khi “ăn no” cát. Lúc này, trạm cân và camera đếm xe đặt dưới chân cầu Hà Nha trở thành… vật trang trí. Những gì đang diễn ra báo hiệu cho chúng tôi biết “khung giờ vàng” vận chuyển cát “chui” bắt đầu.

Giám sát tại khu vực trạm cân và camera, phóng viên phát hiện một số xe tải sau khi “ăn” cát đã không đi qua trạm cân mà đi qua một con đường khác. Đây là con đường nằm song song với con đường có trạm cân và camera, chỉ dùng cho các xe đi vào mỏ cát.

Dẫn chứng là, lúc 17 h53, ngày 6/6, chiếc xe tải BKS 92H-01355 rời khỏi mỏ cát bằng con đường này, mà không lên trạm cân và camera. Hoạt động có dấu hiệu không tuân thủ pháp luật này tiếp tục tái diễn sau 17 h ngày 12/6, với cường độ rầm rộ hơn. Cùng với xe múc, máy hút vô tư hoạt động trong lòng mỏ, lúc 17 h50, ngày 12/6, hơn 10 chiếc ben (gồm 92C-13815, 92C-13497, 92C-07759, 43C-15247, 92C-07864, 92C-13009, 92H-01004, 92H-01355, 92C-13022, 92C-11858, 92C-16209, 92C-08514, 92C-15690, 92C-16491, 92H-01350) vừa “no” liền cát nối đuôi nhau ra ngoài.

Đến chân cầu Hà Nha, bầy xe ben này bất ngờ ngừng di chuyển, xếp thành hàng dài, “án binh bất động” hơn 20 phút. Lý do là, các tài xế phát hiện đầu cầu Hà Nha có một tổ cảnh sát giao thông đang chốt chặn, kiểm tra các phương tiện chở cát lưu thông.

Khi tổ cảnh sát giao thông này rời khỏi đầu cầu Hà Nha, nhóm tài xế liền “truyền tin” cho nhau, rồi tiếp tục điều khiển đoàn xe ben di chuyển. Hình ảnh trích xuất từ camera của phóng viên cho thấy, trong bầy xe này, duy nhất 1 chiếc lên trạm cân và camera, toàn bộ số xe còn lại đều đi ngược vào con đường chỉ dùng cho xe đi vào mỏ cát.

Điều này đồng nghĩa, không cơ quan chức năng nào biết chính xác khối lượng cát được vận chuyển chui ra khỏi mỏ cát là bao nhiêu? Thoát khỏi chốt giao thông, bầy xe ben tỏa ra các hướng, xe về Quảng Nam, xe ra Đà Nẵng tiêu thụ cát, mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Công luận có quyền đặt câu hỏi, nếu không làm điều gì mờ ám, vì sao bầy xe ben “ăn” cát lại né tránh lực lượng cảnh sát giao thông đến vậy?

Điều kỳ lạ là, cảnh tượng trên vẫn không có dấu hiệu dừng lại, mà lại tái diễn sau 17 h ngày 14/6. Vẫn điệp khúc quen thuộc ấy, tại mỏ cát này, các máy hút, xe múc hoạt động rầm rộ, đua nhau đưa cát lên các xe ben, trong tình cảnh vắng bóng lực lượng chức năng. Sau khi vô hiệu hóa trạm cân và camera, đoàn xe ben khựng lại hơn 15 phút, vì lại biết được lực lượng cảnh sát giao thông đang chốt ở đầu cầu Hà Nha. Cuối cùng, bầy xe ben này đã “thông chốt”, chạy ầm về Quốc lộ 14B.

Trên đường vận chuyển cát, những xe ben còn dùng chiêu “thoắt ẩn, thoắt hiện” bằng cách, cứ di chuyển được một đoạn, chúng lại tấp vào các cây xăng ven Quốc lộ 14B “trú ẩn”. Có thể lái xe lại phát hiện được lực lượng cảnh sát giao thông vẫn còn đâu đó, khi “nguy hiểm” từ đội tuần tra kết thúc, đoàn xe tiếp tục bon bon ra đường, chạy thẳng về các điểm tiêu thụ.

Theo chân một số xe ben chở cát từ mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông về xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trong đêm tối như mực, chúng tôi biết rằng, chúng đã “về đích” hết sức thuận lợi.

Quá trình điều tra những hoạt động bất thường tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, nhóm phóng viên Báo Đầu tư thu thập được Quyết định số 3400/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam, do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh này ký, cho phép Công ty cổ phần Trường Lợi được khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và thu hồi đất, cho thuê đất tại đây.

Quyết định này cho phép Công ty cổ phần Trường Lợi khai thác theo công suất thiết kế 6 năm 9 tháng 15 ngày và chỉ cho phép hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi vào ban ngày. Cụ thể là từ tháng 1 đến tháng 9 dương lịch hằng năm (khai thác, vận chuyển từ 6 - 18 h); từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hằng năm (khai thác, vận chuyển từ 6 - 17 h). Nhưng tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã ràng buộc: “Trường hợp các giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này”. Tức là, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản mà tỉnh Quảng Nam đã cấp cho Công ty cổ phần Trường Lợi.

Nói rõ hơn là, không chỉ Công ty cổ phần Trường Lợi, mà tất cả các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chỉ được khai thác đến 17 h, không được khai thác quá 17 h.

Ai cho phép khai thác sau 17 h?

Để làm rõ những hoạt động bất thường tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, phóng viên Báo Đầu tư đã làm việc với ông Võ Ngọc Tốt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Trong thời gian vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc có phát hiện vi phạm gì tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông”? “Không có vấn đề gì hết”, ông Tốt đáp.

Vậy, vì sao nhiều xe cát không đi qua trạm cân và camera sau 17 h? “Cái đó cơ quan thuế quản lý. Còn chúng tôi thì khi nào đi kiểm tra mới yêu cầu trích xuất. Chúng tôi chỉ ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, họ vẫn hoạt động bình thường, xe chở cát có đi qua trạm cân và camera”, ông Tốt nói.

Sau khi xem hình ảnh bầy xe ben chở cát không qua trạm cân, camera sau 17 h (trích xuất từ camera của phóng viên), đồng thời nghe phóng viên cung cấp thông tin máy hút, máy múc vẫn hoạt động sau khung giờ cấm này, ông Tốt thốt lên: “Ai cho khai thác sau 17 h. Toàn bộ hoạt động khai thác phải dừng sau 17 h”.

Vậy, ai giám sát việc này? “Cái này có quy chế phối hợp của UBND huyện rồi. Việc quản lý mỏ liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhưng để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản, thì Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đầu tiên trước Chủ tịch UBND huyện”, ông Tốt khẳng định và không phủ nhận việc giám sát hoạt động trạm cân và camera có trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc.

Ông Tốt đề nghị phóng viên cung cấp hình ảnh bầy xe ben “né” trạm cân và camera sau 17 h, đồng thời ghi nhận, cám ơn các vấn đề phóng viên nêu và khẳng định sẽ kiểm tra.

Sau khi xem hình ảnh trên, một cán bộ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam lắc đầu: “Khó lắm! Không thể biết đâu mà thu thuế cho đủ, cho đúng cả. Việc này chính quyền địa phương phải có trách nhiệm, chứ chỉ ngành thuế thì không cách gì quản lý nổi. Tôi nói thật, thu thuế về khoáng sản hiện nay được khoảng 70% là quá lắm rồi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Việc xe chở cát không qua trạm cân, camera cho thấy tài nguyên khoáng sản có dấu hiệu bị thất thoát. Mà thất thoát tài nguyên khoáng sản, thì thất thu thuế tài nguyên. Đó là những thất thoát mang tính dây chuyền”.

Chiều 19/6/2023, phóng viên Báo Đầu tư liên lạc vào số máy ông Hồ Hoàng Phúc (người đại diện Công ty cổ phần Trường Lợi) để trao đổi một số thông tin liên quan về hoạt động của mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông. Tuy nhiên, người nghe máy xưng là thư ký của ông Phúc, cho biết: “Về nguyên tắc bên mỏ, mình làm việc tuân thủ theo quy định của pháp luật”(!). Người này nói sẽ báo cáo lãnh đạo sắp xếp lịch làm việc với phóng viên. Tuy vậy, đến hiện tại, phóng viên vẫn chưa nhận được hồi đáp.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan