1 năm ra đời trên TTCK Việt Nam, tổng giá trị phát hành sản phẩm chứng quyền (CW) đạt quy mô 1.000,98 tỷ đồng, trong đó tập trung vào 3 công ty chứng khoán (CTCK) lớn là SSI, KIS và HSC. Tuy nhiên, thanh khoản sàn CW dao động ở mức vài tỷ đồng/phiên đặt ra câu hỏi, phải chăng các CTCK lãng quên việc đào tạo, mời gọi nhà đầu tư tham gia sàn CW?
Lãnh đạo Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho biết, 1 năm qua, CW đã góp phần gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu cơ sở. Thị trường hiện có 134 mã chứng quyền được chào bán và niêm yết do 8 CTCK phát hành, tương ứng với tổng khối lượng chào bán là 410,2 triệu CW.
Khối lượng giao dịch đạt trên 990,32 triệu CW tính trong 11 tháng, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.481 tỷ đồng.
Trong đó, khối lượng giao dịch cao nhất là vào tháng 5/2020 (15,92 triệu CW) và giá trị giao dịch CW đạt cao nhất vào tháng 11/2019 (221,1 tỷ đồng).
SSI dẫn đầu danh sách về tổng giá trị phát hành CW với 287,59 tỷ đồng, vị trí thứ hai là KIS với 279,07 tỷ đồng và thứ ba là HSC với 215,1 tỷ đồng.
Trong hơn 20 cổ phiếu cơ sở được sử dụng để phát hành chứng quyền, 5 mã được dùng nhiều nhất là MWG, FPT, VNM, MBB, HPG. Giá trị phát hành của từng mã từ gần 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường CW biến động từng phiên, nhưng trong tuần gần nhất, thống kê từ CTCK MB (MBS) cho biết, nhóm CW của KIS có thanh khoản dẫn đầu thị trường, chiếm 35,5%, SSI ở vị trí thứ 2 với 29,7%, tiếp theo là HSC chiếm 14% và MBS chiếm 10%.
CW là sản phẩm cho phép nhà đầu tư có quyền mua một cổ phiếu ở mức giá xác định vào một thời điểm cụ thể. Sản phẩm được niêm yết và có cách thức giao dịch tương tự chứng khoán cơ sở.
Nhà đầu tư không phải mở thêm tài khoản phụ, mà được giao dịch CW ngay trên tài khoản hiện có với các điều kiện giao dịch tương tự như cổ phiếu (về phí giao dịch, thời gian giao dịch…).
Ưu điểm nổi trội của CW là giúp nhà đầu tư tận dụng được tính chất đòn bẩy rất cao (7-10 lần) để tìm kiếm cơ hội lợi nhuận.
Các CTCK là tổ chức phát hành chứng quyền, thường chào bán CW với giá thấp hơn nhiều lần so với giá chứng khoán cơ sở, theo đó, với mức vốn đầu tư thấp, nhà đầu tư vẫn có cơ hội thu được tỷ suất lợi nhuận cao.
Trong ví dụ hướng dẫn nhà đầu tư, CTCK SSI chia sẻ, cùng hướng đến việc đầu tư vào MBB (giả sử giá hiện tại 20.000 đồng/cổ phiếu), với 20 triệu đồng, nhà đầu tư chỉ mua được tối đa 1.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, nếu mua CW được khối CTCK phát hành trên cổ phiếu MBB có giá 2.000 đồng/CW, nhà đầu tư sẽ mua được 10.000 CW, từ đó tăng khả năng hưởng lợi từ biến động giá cổ phiếu MBB.
Với bản chất là quyền chọn mua ở mức giá đã xác định trước, giá CW có phản ứng tương tự theo diễn biến giá cổ phiếu.
Theo đó, trường hợp thị trường phản ứng thuận lợi, nhà đầu tư mua CW có cơ hội chọn lựa cách chốt lãi, hoặc là bán lại CW trên sàn, hoặc là yêu cầu tổ chức phát hành thanh toán tiền chênh lệch giá.
Nếu thị trường không thuận lợi, CW mất dần giá trị trên sàn và nhà đầu tư phải chấp nhận mất hết số tiền đã bỏ ra mua CW.
Với sự vào cuộc của 8 CTCK, thị trường CW đã khẳng định quy mô và sự đa dạng sau 1 năm vận hành.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch CW mới ở mức thấp (từ 3-16 tỷ đồng/phiên), cho thấy chưa nhiều nhà đầu tư sử dụng sản phẩm này. Kể từ tháng 3/2020 đến nay, TTCK Việt Nam có thêm gần 140.000 tài khoản mới được mở.
Thêm nhà đầu tư mới, nếu các CTCK tiếp tục nỗ lực đào tạo, trang bị kiến thức và kinh nghiệm đầu tư CW, rất có thể sàn CW sẽ có thanh khoản và hiệu quả tốt hơn trong tương lai.
Được biết, CTCK KIS là đơn vị có tổng giá trị phát hành CW dẫn đầu, nhưng tháng 6 vừa qua, công ty này liên tục ghi nhận những đợt phát hành CW không người mua, trong đó có chứng quyền trên các mã STB, ROS, VHM, JVC, NVL…