Quỹ đất dự án khu y tế công nghệ cao nhưng hiện thành dự án bất động sản mang tên Alo City.

Quỹ đất dự án khu y tế công nghệ cao nhưng hiện thành dự án bất động sản mang tên Alo City.

Đất quy hoạch y tế thành dự án nhà ở thương mại: Điều chỉnh mục tiêu có đúng?

(ĐTCK) Từ một số lô đất với mục đích là xây dựng khu nhà lưu trú cho bệnh nhân, bác sĩ, chuyên gia với thời gian thuê đất là 69 năm trong Dự án Khu y tế kỹ thuật cao, sau nhiều lần chuyển đổi đã biến thành dự án khu căn hộ cao cấp “bán ưu tiên”.

Hàng chục năm ấp ủ triển khai Khu y tế kỹ thuật cao

Để phát triển một khu y tế kỹ thuật cao, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 4525/QĐ-UB-NC ngày 10/8/1999 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu y tế kỹ thuật cao tại huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân). Sau đó, Kiến trúc sư trưởng thành phố có Quyết định số 4417/KTST-ĐB2 ngày 19/4/2000 duyệt quy hoạch chia lô Khu Trung tâm Y tế kỹ thuật cao 42,5 ha chia làm 6 phân khu với quy mô 1.200 giường bệnh: Khu trung tâm 2,55 ha; Các khu điều trị 16,01 ha; Khu đào tạo và nghiên cứu 2,5 ha; Khu hành chính, dịch vụ 2,27 ha; Khu kỹ thuật nghiệp vụ 2,08 ha; Khu xử lý kỹ thuật và phụ trợ 1,1 ha và đất công viên cây xanh 4,29 ha, đất giao thông và bến đỗ 10,7 ha.

Sau gần 10 năm kêu gọi đầu tư, ngày 7/6/2008, UBND TP.HCM có Văn bản 3588/UBND-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ với đề nghị: “Căn cứ quy mô và mục tiêu của dự án thuộc lĩnh vực y tế, chủ đầu tư đề nghị thời gian hoạt động của dự án là 69 năm; đồng thời được Chính phủ và chính quyền địa phương chấp nhận cho chủ đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của dự án”.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 3807/VPCP-KGVX ngày 9/6/2008 gửi nhiều bộ, ngành lấy ý kiến. Bộ Y tế có Văn bản 4130/BYT-KH-TC ngày 11/6/2008 ý kiến: “Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân TP.HCM, Bộ Y tế nhất trí với chủ trương…; Chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước Việt Nam về đầu tư xây dựng công trình và lĩnh vực y tế tại địa phương”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản 2146/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 13/6/2008 thống nhất với chủ trương đầu tư, xây dựng, khai thác khu y tế kỹ thuật cao và cung cấp các loại hình dịch vụ có liên quan là phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế của Nhà nước”.

Bộ Tài chính có Văn bản 6843/BTC-QCS ngày 13/6/2008 thống nhất cho chủ đầu tư thuê đất 69 năm và được miễn tiền thuê đất để đầu tư Khu y tế kỹ thuật cao gồm bệnh việc điều trị chuyên khoa kết hợp các lĩnh vực dịch vụ y tế, đào tạo, nghỉ dưỡng, nhà lưu trú của chuyên gia, y bác sĩ và người nhà bệnh nhân, khu giải trí thể thao phục vụ trực tiếp việc khám chữa bệnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản 4296 BKH/LĐVX ngày 16/6/2008 về nguyên tắc thống nhất với chủ trương cần xây dựng khu y tế kỹ thuật cao hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ kỹ thuật y tế quốc tế hoặc ít nhất là khu vực Đông Nam Á. Thống nhất các mục tiêu và quy mô đầu tư của dự án, gồm khu chức năng về y tế, trung tâm đào tạo, khu nhà nghỉ phục vụ bệnh nhân và thân nhân, lưu trú cho chuyên gia, bác sĩ, khu nhà ở…

Bộ Xây dựng có Văn bản 1161/BXD-HĐXD ngày 17/6/2008 nhất trí với chủ trương đầu tư thực hiện dự án Khu y tế kỹ thuật cao và dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP, nên thời hạn hoạt động của dự án 69 năm là phù hợp.

Căn cứ vào ý kiến của nhiều bộ, ngành và Văn bản 3588/UBND-ĐT ngày 7/6/2008 của UBND TP.HCM, ngày 21/6/2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 925/TTg-KGVX đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc cho phép thành lập doanh nghiệp để đầu tư và khai thác Khu y tế kỹ thuật cao, đồng thời xác định “Dự án được hoạt động trong thời gian 69 năm, được hưởng các chính sách về khuyến khích xã hội và ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật”.

Thay đổi mục tiêu thành phần từ phục vụ dự án chuyển thành dự án nhà ở để bán

Sau khi có văn bản đồng ý của Chính phủ, ngày 10/7/2008, UBND TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 4110222000279 chứng nhận Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm góp 30% và Shangri-La Heathcare Investment (Singapore) góp 70% để thành lập Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La với vốn điều lệ 407,649 tỷ đồng (24,2 triệu USD) để đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư 6.746 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 69 năm, diện tích đất thuê dự kiến khoảng 37 ha để thực hiện dự án Khu y tế kỹ thuật cao.

Trong Giấy chứng nhận đầu tư số 4110222000279, ngoài khu cụm bệnh viện, trung tâm đào tạo, trung tâm phục hồi chức năng, còn có các công trình xây dựng tiện ích phụ đi kèm khác phục vụ điều phối và vận hành dự án gồm: “Khu nhà nghỉ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân, thân nhân”; “Khu nhà nghỉ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho các chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng và chuyên viên các lĩnh vực liên quan làm việc tại dự án”; “Khu nhà ở và căn hộ phục vụ cho nhu cầu của dự án”; “Khu thể thao, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc, nâng cao sức khỏe và các công trình tiện ích phụ trợ đi kèm có liên quan phục vụ nhu cầu của dự án”.

Ngày 26/12/2008, UBND TP.HCM có Quyết định số 5637/QĐ-UBND về duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu y tế kỹ thuật cao tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Một năm sau, UBND Thành phố có Quyết định số 5748/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 về điều chỉnh bổ sung Quyết định 5637/QĐ-UBND. Theo đó, diện tích toàn khu là 422.961 m2 gồm: Khu đất chức năng (224.197 m2); Đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án (48.916 m2); Đất trường học (14.977 m2); Đất cây xanh thể dục thể thao (35.623 m2); Đất giao thông (76.615 m2); Đất công trình hạ tầng kỹ thuật (22.633 m2).

Đáng lưu ý là 4 lô đất với diện tích 73.275 m2 gồm, Lô PT1 - Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khỏe, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân diện tích 24.359 m2; Đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án tại các Lô D1 - 24.636 m2, Lô D2 - 12.327 m2, Lô D3 - 11.953 m2.

Tuy nhiên, Lô D1 và PT1 sau đó đã được thay đổi mục tiêu. Cụ thể, tại Quyết định 3533/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 về điều chỉnh bổ sung Quyết định 5509/QĐ-UBND ngày 29/10/2012 của UBND Thành phố, “Trung tâm hội nghị, triển lãm y tế, giải trí mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khỏe phục vụ cho Khu y tế kỹ thuật cao” điều chỉnh thành “Trung tâm thương mại - dịch vụ phù hợp mục tiêu của trung tâm mua sắm đã được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41112000109 ngày 19/6/2014”.

Với khu Lô D2, diện tích 12.327 m2, ngày 15/9/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xác nhận, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty TNHH Hoa Lâm - Shangri-La 5 (công ty TNHH một thành viên), diện tích được điều chỉnh lại là 12.314,8 m2 với mục đích sử dụng đất “Xây dựng khu nhà ở, căn hộ phục vụ khu y tế kỹ thuật cao”. Được biết, giá trị quyền sử dụng đất góp vốn là gần 122,25 tỷ đồng.

Về quy hoạch, theo Quyết định 158/QĐ-UBND ngày 13/1/2017 của UBND TP.HCM về duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Y tế kỹ thuật cao, thì Lô D2 - 12.327 m2 vẫn thuộc loại đất “Đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án”.

Ngày 20/4/2017, UBND TP.HCM có Quyết định 1884/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu nhà ở D2 cho Nhà đầu tư là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shingri-La và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 8741478108 ngày 27/4/2017 với mục tiêu dự án là “Đầu tư xây dựng, khai thác và cung cấp dịch vụ có liên quan đối với khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu y tế kỹ thuật cao” và thực hiện theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 158/QĐ-UBND ngày 13/1/2017.

Tuy nhiên, sau đó, ngày 13/11/2017, UBND TP.HCM có Quyết định 5983/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu nhà ở D2 và Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 1 ngày 20/11/2017 cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoa Lâm, trong đó điều chỉnh mục tiêu dự án thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu y tế kỹ thuật cao)”.

Căn cứ Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đến ngày 10/3/2018, UBND Thành phố tiếp tục có Quyết định 951/QĐ-UBND về công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao với mục tiêu dự án là “Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”.

Như vậy, sau nhiều năm và nhiều lần thay đổi, mục tiêu đầu tư tại Lô D2 chuyển hóa từ “nhà ở, căn hộ phục vụ dự án” thành “nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”. Mặt khác, các quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư căn cứ vào Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 158/QĐ-UBND ngày 13/1/2017, trong khi theo quy hoạch này, thì Lô D2 vẫn là “Đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Lô D3 diện tích 11.953 m2, sau nhiều lần điều chỉnh cũng chuyển từ “nhà ở, căn hộ phục vụ dự án” trở thành “nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”. Mặt khác, sau nhiều lần chuyển nhượng, đến tháng 9/2019, nhà đầu tư của đơn vị thực hiện dự án trên Lô D2 và Lô D3 không còn là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La, mà là Công ty cổ phần Tín Phát Bình Tân.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan