Từ “sốt sình sịch”…
Giai đoạn trước năm 2011, những thông tin về quy hoạch, giao thông có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản. Tại thời điểm đó, thông tin quy hoạch một tuyến giao thông có thể khiến thị trường bất động sản dọc tuyến tăng nóng và thanh khoản bất động sản được cải thiện trông thấy.
Dẫn chứng cụ thể có thể kể đến như trục Hồ Tây - Ba Vì, ngay sau khi có thông tin quy hoạch, giá đất tại Ba Vì tăng phi mã. Trong khi đó, giá đất 2 bên trục đường này cũng tăng nhanh, được giới đầu cơ thu gom, dù người ta chưa biết mốc lộ giới cụ thể của trục đường này ra sao.
Ở phía Tây Hà Nội, Dự án Bắc An Khánh và hàng loạt dự án khác dọc trục Đại lộ Thăng Long cũng được hưởng lợi tăng giá khi tuyến đường này được mở rộng gấp 4 lần so với ban đầu.
Dẫn chứng tiếp theo là trục Nhật Tân - Nội Bài, sau khi cầu Nhật Tân được hoàn thành, giá bất động sản tại huyện Đông Anh, nhất là đoạn đầu cầu Nhật Tân đã tăng nhanh.
Tuy nhiên, việc tăng giá bất động sản quanh trục Nhật Tân - Nội Bài khác với cơn sốt đất dọc trục Đại lộ Thăng Long và trục Hồ Tây - Ba Vì tạo ra, bởi cơn sốt đất trục Nhật Tân - Nội Bài diễn ra sau khi bong bóng địa ốc Hà Nội đã vỡ. Ngoài ra, sau khi trục Nhật Tân - Nội Bài hoàn thành, thị trường đất nền mới tăng giá, nên tạo cảm giác một mặt bằng giá mới tại khu vực này đã thiết lập khá vững, trong khi trục Hồ Tây - Ba Vì có nguy cơ không được triển khai, khiến giá đất Ba Vì và trục đường này giảm nhanh và mất thanh khoản.
…Đến thờ ơ với quy hoạch!
Những dẫn chứng trên đây cho thấy, trong một thời gian dài, thị trường bất động sản Hà Nội chịu tác động mạnh bởi những quy hoạch giao thông.
Tuy nhiên, điều lạ là theo khảo sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản, thông tin Hà Nội chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án giao thông nối các đô thị vệ tinh với trung tâm Hà Nội mới đây lại không có nhiều tác động tới thị trường bất động sản, nhất là phân khúc đất nền, nơi các dự án giao thông này đi qua.
Cụ thể, mới đây Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cắm mốc và mở rộng hàng loạt tuyến giao thông quan trọng, nối đô thị vệ tinh với khu trung tâm. Đặc biệt, các dự án giao thông này đều đi qua nhiều khu dân cư và dự án đô thị.
Dự án thứ nhất là mở rộng Tỉnh lộ 72, đoạn từ Ngã ba Biển Sắt đến đường Vành đai 4, dài 5,9 km. Dự án này sẽ đi ngang qua Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Dự án Nam An Khánh mở rộng và nhiều khu dân cư.
Dự án thứ 2 là tuyến đường 3.5 dài 9,54 km từ cầu Thượng Cát đến Đại Lộ Thăng Long, đoạn Khu đô thị Bắc An Khánh. Với hướng tuyến này, đường 3.5 sẽ đi qua hàng loạt dự án đô thị thuộc quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức. Trong khi đó, ở phía Bắc, Hà Nội cũng dự định sẽ mở rộng tuyến Quốc lộ 3 cũ, kết nối Sóc Sơn và trung tâm Thành phố, dài 16,2 km.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, mặc dù Hà Nội đã phê duyệt các tuyến giao thông trên, thậm chí mới đây, đã bắt đầu tiến hành cắm mốc giới với tuyến đường 3.5, nhưng thị trường bất động sản chưa có những chuyển biến tích cực với những thông tin này.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều trung tâm môi giới nhà đất tại Hoài Đức, Nam Từ Liêm, nơi các tuyến đường giao thông mở rộng sẽ đi qua cho biết, giá bất động sản không tăng và thanh khoản cũng không cải thiện tích cực.
Lý giải hiện tượng quy hoạch hạ tầng giao thông không còn tác động nhiều tới bất động sản, ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Soho Việt Nam cho rằng, khách hàng hiện nay nhìn vào thực tế triển khai dự án nhiều hơn là thông tin quy hoạch.
Trên thực tế, ngay cả nhiều dự án giao thông đã triển khai xong, nhưng bất động sản lân cận vẫn không tăng giá. Vì thế, ông Cần cho rằng, những thông tin quy hoạch giao thông mà Hà Nội mới công bố chỉ có tác dụng giúp thị trường có thêm hy vọng, nhen nhóm sự hồi phục trong tương lai. Còn hiện tại, thị trường đất nền vùng ven chưa có thể khởi sắc dưới tác động của thông tin này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com