Đất nền bỗng dưng… được săn đón

0:00 / 0:00
0:00
Tại Hà Nội, đất nền - phân khúc mang tính chất chỉ báo cho nhịp đập của thị trường bất động sản - đang được nhiều nhà đầu tư săn đón trở lại sau quãng thời gian dài “ngủ đông”.
Số lượng người đến công chứng hợp đồng mua bán nhà đất tăng vọt trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Vũ

Số lượng người đến công chứng hợp đồng mua bán nhà đất tăng vọt trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Vũ

Chuỗi ngày bận rộn của phòng công chứng

Hình ảnh những cuốn sổ đỏ lấp ló trong túi đựng tài liệu xuất hiện ngày càng nhiều tại các văn phòng công chứng ở Hà Nội. Khảo sát thực tế một số cơ sở công chứng tại quận Hà Đông, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận các văn phòng đều trong tình trạng đông đúc, tấp nập, có người phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ mới đến lượt làm việc.

“Hiện hoạt động mua bán bất động sản chiếm hơn 2/3 số giao dịch tại phòng công chứng. Từ sau Tết Nguyên đán, khối lượng công việc của chúng tôi tăng lên rất nhiều, làm việc không ngơi tay. Nếu so với giờ này năm ngoái, tình trạng khác nhau một trời một vực”, chị Xuân Trang (nhân viên công chứng) chia sẻ.

Gia đình chị Thanh Thủy (khách công chứng) vừa bán thành công một mảnh đất tại phường Dương Nội, với mức giá hơn 3 tỷ đồng, gấp 3 lần số vốn bỏ ra vào năm 2017. “Trong suốt năm 2022 - 2023, số người hỏi xem đất chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến tôi rất lo lắng bởi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng đều đặn hằng tháng. Vì vậy, khi khách hỏi mua đất vào giữa tháng 3/2024, tôi ngay lập tức đồng ý giao dịch. Toàn bộ thương vụ chỉ diễn ra trong chưa đầy 2 tuần”, chị Thủy chia sẻ.

Theo kinh nghiệm đầu tư của ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, những bất động sản nằm trong khu vực trung tâm sẽ có tính thanh khoản tốt. Tuy nhiên, khả năng sinh lời của những sản phẩm này sẽ không cao. Ngược lại, những thửa đất nằm tại vùng ven dù có tiềm năng tăng giá mạnh, nhưng tính thanh khoản lại tương đối thấp, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm khách hàng.

Một vị khách khác tại phòng công chứng cho biết, họ cũng vừa bán được một thửa đất tại huyện Gia Lâm và lãi 600 triệu đồng chỉ sau nửa năm đầu tư. Thị trường bất động sản tại khu vực này đã nhộn nhịp hơn từ đầu năm nay, một số xã đã chứng kiến giá đất tăng 10 - 15% so với thời điểm cuối năm 2023. Không ngần ngại chia sẻ ý định của mình, nhà đầu tư này khẳng định sẽ tiếp tục mua thêm một số mảnh đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội để sinh lời trong ngắn hạn.

Theo anh Minh Tuấn (nhà đầu tư), người dân đang ráo riết đi tìm các kênh đầu tư mới trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang ở mức rất thấp, chỉ dao động khoảng 4%/năm. Giữa lúc giá vàng liên tục neo cao, chứng khoán không ngừng trồi sụt, thị trường bất động sản bỗng trở thành một địa chỉ “rót tiền” tương đối hấp dẫn.

“Khi nhận thấy Nhà nước có những động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư đã lên kế hoạch ‘săn đất’ giá rẻ từ cuối quý III/2023. Không chỉ vậy, thông tin một số huyện tại Hà Nội chuẩn bị lên quận cùng với việc đường Vành đai 4 được khởi công cũng góp phần giúp thị trường bất động sản ngoại thành trở nên sôi động hơn”, anh Tuấn cho hay.

Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, các giao dịch bất động sản tại Hà Nội đã nhanh chóng tăng trở lại ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024. So với cùng kỳ năm trước, lượng tìm kiếm đất thổ cư và đất dự án tại Thủ đô đã tăng lần lượt 110% và 77%. Khi so sánh với các phân khúc khác, đất nền đang được tìm mua nhiều nhất với mục đích đầu tư.

“Cơn sốt” sẽ sớm hạ nhiệt?

Dẫu thị trường đang “tan băng”, nhưng anh Minh Tuấn vẫn bày tỏ một số lo ngại. Theo đó, “cơn sốt” đất mới đây do các “cá mập” khởi động và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Kinh tế vĩ mô vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, lãi suất huy động đang rục rịch tăng, các chính sách, giải pháp tháo gỡ từ phía Nhà nước cũng cần thêm thời gian để triển khai và phát huy hiệu lực. Do đó, sự sôi động của thị trường hiện tại không có nhiều cơ sở để duy trì lâu dài.

“Nhà đầu tư tham gia thị trường lúc này cần lưu ý rằng, bất động sản tại một số nơi đang nhen nhóm tình trạng ‘ngáo giá’, đặc biệt là khu vực vùng ven. Nếu có mua thì phải cố gắng ‘chốt lời’ sớm ngay trong năm nay. Nếu không, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ phải đợi thêm 1 - 2 năm nữa để đón một ‘cơn sóng’ khác”, anh Tuấn thẳng thắn cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, việc Luật Đất đai năm 2024 xây dựng bảng giá đất hàng năm là một trong những nguyên nhân khiến chủ đất tại nhiều nơi tự tin nâng giá bán. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm dự án mới và đà tăng giá “phi mã” của chung cư cũng là một “cái cớ” để môi giới viên đẩy giá bán của các phân khúc khác như nhà phố, đất nền.

“Đà ‘sốt đất’ hiện tại chỉ mang tính chất tự phát. Trong giai đoạn bất định, người mua không nên dùng đòn bẩy quá lớn, tối đa chỉ dừng ở mức 50%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên lựa chọn những phân khúc có thể tạo ra dòng tiền. Trước đây, nhiều người có xu hướng mua những thửa đất nhỏ và thực hiện ‘bán nhanh, rút gọn’. Tuy nhiên, thị trường đã dần thay đổi ‘luật chơi’, các đợt đất tăng giá gấp 5 - 10 lần sẽ không còn”, ông Điệp bình luận.

Nhận định rằng, thị trường bất động sản năm 2024 - 2025 sẽ rất khó đoán, ông Ngô Xuân Chúc, Giám đốc một trung tâm giao dịch bất động sản tại quận Thanh Xuân cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên các sản phẩm an toàn, pháp lý đầy đủ và có thể tạo ra dòng tiền nhờ việc cho thuê. Trước mắt, đất nông nghiệp sẽ bị thất thế do Luật Đất đai 2024 đã có nhiều quy định siết chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, theo ông Chúc, Luật Kinh doanh bất động sản mới đã hạn chế hoạt động phân lô, bán nền. Chủ nhân của những thửa đất lớn khả năng cao sẽ phải hạ giá bán để tăng thanh khoản trước khi Luật có hiệu lực.

Tin bài liên quan