Đặt lệnh tự động: “Trói” ngắn hạn, song cần “cởi” dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Góc nhìn của một số chuyên gia tài chính - chứng khoán gặp nhau ở điểm: Việc tạm cấm các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ đặt lệnh tự động (đặt lệnh bằng robot) là phù hợp trong bối cảnh hạ tầng công nghệ chờ nâng cấp, song về dài hạn, cơ quan quản lý cần cho phép triển khai dịch vụ này. 

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi

Robot đặt lệnh có thể hiểu đơn giản là các phần mềm giao dịch tự động theo thuật toán, được lập trình về giá, khối lượng và thời gian đặt lệnh. Robot đặt lệnh hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các chiến lược đầu tư cũng như hoạt động tạo lập thị trường, hedging, copy trade, kinh doanh chênh lệch giá đối với các sản phẩm chứng quyền, ETF, phái sinh… Đây là một phương pháp đầu tư được phát triển mạnh cùng cách mạng 4.0 và được nhiều nước phát triển ứng dụng vào hoạt động đầu tư chứng khoán.

Thực tế tại Việt Nam, các quỹ đầu tư định lượng chưa phát triển mạnh, hoạt động copy trade cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, số lượng lệnh giao dịch thường tăng đột biến vào những thời điểm thanh khoản thị trường tăng mạnh. Để biết chính xác hoạt động, nghiệp vụ nào sử dụng robot tần suất lớn thì cần phân tích dữ liệu giao dịch thực tế tại các sở giao dịch chứng khoán.

Ở góc độ kinh doanh, tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá có thể có tần suất giao dịch cao hơn, đặc biệt vào những thời điểm thị trường biến động mạnh. Ngoài ra, nếu robot đặt lệnh dùng chiến thuật chẻ lệnh thì càng làm tăng mạnh tần suất giao dịch, áp lực lên hệ thống.

Về bản chất, các hoạt động này đều tuân thủ pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu này, đơn cử là hệ thống hiện tại của các sở đã gặp vấn đề không nhỏ tại những thời điểm thanh khoản thị trường bùng nổ mạnh trong năm 2020 - 2021. Vì vậy, áp dụng và khuyến khích robot trong thời điểm này có thể gây tác động tiêu cực lên thị trường và đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư nhỏ.

Tuy vậy, cơ quan quản lý cân nhắc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng như mở đường cho hoạt động giao dịch định lượng nói trên sớm sau khi nâng cấp được hạ tầng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Finpeace

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn nhắc nhở các công ty chứng khoán dừng đặt lệnh robot, theo tôi, dựa trên ba yếu tố:

Thứ nhất, trong hoàn cảnh chúng ta ở giai đoạn chờ đợi dự án KRX triển khai, tải lệnh của sở giao dịch cần được giữ ở mức chấp nhận được, tránh rủi ro nghẽn lệnh như đã từng xảy ra. Ở một vài phiên giao dịch quan trọng trong tháng 9, hiện tượng lệnh nghẽn tại một số công ty chứng khoán xuất hiện trở lại khi giao dịch tăng đột biến. Các lệnh tự động hiện tại thường ở giá trị nhỏ trên từng lệnh, nhưng lại tiềm ẩn số lượng lệnh lớn có thể đã và sẽ làm tải của hệ thống tại từng công ty chứng khoán hoặc tại sở giao dịch gặp rủi ro.

Thứ hai, bản chất các lệnh giao dịch tự động hiện tại phần lớn là lệnh đặt để tiết kiệm thời gian theo dõi bảng điện của khách hàng và ứng phó nhanh với diễn biến thị trường. Do đó, khi các công ty dừng cung cấp dịch vụ giao dịch tự động, thanh khoản của thị trường chứng khoán về cơ bản không bị tác động nhiều.

Những nhà đầu tư tự thiết kế cho mình một hệ thống giao dịch tự động liên tục, hoặc nhà đầu tư copytrade sẽ bị ảnh hưởng vì bị dừng dịch vụ; tuy nhiên, nhóm này chiếm thanh khoản không đủ lớn để tác động lên thị trường chung.

Thứ ba, hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đang đánh giá một cách toàn diện từ quy định pháp lý đến thực tiễn hệ thống công nghệ toàn thị trường và cả hệ thống công nghệ của từng công ty chứng khoán. Điều này cho thấy, việc các đơn vị thứ ba đang hoạt động dịch vụ nhận lệnh, copytrade… và đẩy lệnh vào cổng tại một số công ty chứng khoán là những hoạt động chưa có quy định cụ thể của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong những năm qua, doanh thu và lợi nhuận từ dịch vụ chứng khoán thông thường chỉ chiếm xấp xỉ 30% trong tổng thu nhập của công ty chứng khoán. Hơn nữa, các công ty chứng khoán thường chỉ thu được mức phí thấp từ các tài khoản giao dịch chuyên nghiệp với tần suất lớn.

Thời gian qua, các chủ tài khoản này có thể mặc cả được mức phí thấp tại các công ty chứng khoán do tính cạnh tranh và tính chất đặc thù của loại hình dịch vụ này là chi phí phục vụ khách hàng ở mức rất thấp, toàn bộ giao dịch đều nằm trên hệ thống công nghệ. Do vậy, việc dừng dịch vụ đặt lệnh bằng robot sẽ ít ảnh hưởng tới doanh thu của các công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại, việc tạm cấm triển khai dịch vụ đặt lệnh tự động là hợp lý, vì để đảm bảo cho hệ thống được giao dịch thông suốt. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tự động được xem là một trong những hoạt động khá phổ biến tại các thị trường mới nổi và thị trường phát triển.

Việc triển khai giao dịch tự động vừa giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thị trường chứng khoán, giúp thanh khoản của thị trường tăng mạnh thông qua các giao dịch tần suất cao, vừa giúp các nhà đầu tư tăng hiệu quả đầu tư với các chiến lược giao dịch được kiểm chứng bằng hệ thống định lượng hay AI. Do đó, trong dài hạn, tôi cho rằng, các cơ quan quản lý thị trường nên đẩy nhanh việc nâng cấp hệ thống giao dịch để đảm bảo các sản phẩm giao dịch tự động được triển khai.

Nghiệp vụ giao dịch tần suất lớn giúp khách hàng phản ứng nhanh với các diễn biến thị trường một cách chủ động theo những kịch bản đã được thiết kế sẵn, để tránh việc bị bỏ lỡ hay mất cơ hội mỗi khi thị trường biến động mạnh. Hoạt động này phù hợp cho các quỹ đầu tư, hay các tổ chức có quy mô đầu tư lớn để thực hiện các chiến lược giao dịch đã đưa ra trước đó.

Việc cơ quan quản lý cấm các công ty chứng khoán đặt lệnh qua robot không ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản của thị trường, vì hiện nay, mới chỉ có số ít công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Việc sử dụng robot để giao dịch chứng khoán được áp dụng ở nhiều thị trường chứng khoán phát triển và là xu hướng tất yếu của ứng dụng công nghệ vào tài chính. Khi áp dụng robot đặt lệnh sẽ làm cho thanh khoản thị trường tăng lên, đồng thời thị trường cũng biến động mạnh hơn.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, hệ thống giao dịch chưa thực sự sẵn sàng cho việc áp dụng đầy đủ các công nghệ giao dịch robot đang phát triển mạnh mẽ các năm gần đây. Do đó, việc sử dụng robot làm gia tăng lệnh đột biến cùng lúc có thể dẫn đến quá tải hệ thống, nhất là trong bối cảnh dòng tiền nhập cuộc sôi nổi vào thị trường như hiện nay. Ngoài ra, việc sử dụng robot để giao dịch tự động có thể gây ra phản ứng quá đà khi thị trường diễn biến tiêu cực do kích hoạt lệnh bán tự động.

Việc tăng cường quản lý, giám sát robot đặt lệnh sẽ ảnh hưởng đến từng hoạt động ở mức độ khác nhau. Cụ thể:

Hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (mua/bán đồng thời trên thị trường cơ sở và phái sinh để tìm kiếm chênh lệch giá giữa hai thị trường này) sẽ khó thực hiện hơn, do thông thường, các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá thường xuất hiện rất nhanh và việc đặt lệnh thủ công thường không đem lại hiệu quả. Do đó, việc cấm giao dịch bằng robot sẽ ảnh hưởng một phần đến thanh khoản nhóm VN30 và thị trường phái sinh.

Với phương thức copytrade (nhà đầu tư mua/bán bằng cách sao chép cách giao dịch mà một nhà đầu tư khác thực hiện, thường là nhà đầu tư chuyên nghiệp), khi cấm giao dịch bằng robot, việc đặt lệnh đồng thời cùng lúc trên nhiều tài khoản bằng cách thủ công gặp khó khăn hơn. Do đó, nếu việc đặt lệnh bằng cách thủ công không đáp ứng được sẽ làm giảm thanh khoản và ảnh hưởng đến doanh thu môi giới của một số công ty chứng khoán đang áp dụng.

Với hoạt động nhận lệnh từ một bên thứ ba hợp tác với các công ty chứng khoán (bên thứ ba là các công ty không có đủ điều kiện để kinh doanh môi giới sẽ tổng hợp lệnh của các khách hàng và đặt qua công ty chứng khoán), do các hoạt động này gần như phải thực hiện trong thời gian thực (realtime) và nếu trên quy mô lớn thì không thể thực hiện bằng cách thủ công. Do đó, việc không giao dịch qua robot có thể khiến hoạt động này phải ngừng lại.

Tin bài liên quan