Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 đã cấp phép đầy đủ cho vắc xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech cùng phát triển trong một động thái có thể đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại nền kinh tế số một thế giới.
Vắc-xin Pfizer nhận được giấy phép đầy đủ để sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Đây là loại vắc-xin được sử dụng phổ biến nhất tại Mỹ và cũng là loại vắc xin đầu tiên được cấp phép đầy đủ.
Các quan chức Mỹ hy vọng việc cấp phép đầy đủ cho vắc xin Pfizer sẽ thuyết phục được người Mỹ đến các điểm tiêm chủng. Nhiều người đã nói không với vắc xin với lý do FDA chưa cấp phép đầy đủ và lo ngại các phản ứng phụ khác vốn rất hiếm xảy ra.
Tâm lý lo ngại của một bộ phận không nhỏ dân Mỹ đã khiến nước này đối mặt với làn sóng bùng phát mới do biến thể Delta gây ra. Phần lớn số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 là những người chưa tiêm vắc xin.
Cổ phiếu của Pfizer và BioNTech niêm yết tại Mỹ lần lượt tăng 2,7% và 8,3% trong phiên. Cổ phiếu của hãng đối thủ Moderna cũng tăng 5,9%.
Về dữ liệu kinh tế, theo Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ, doanh số bán nhà bất ngờ tăng trong tháng 7, ghi nhận tăng tháng thứ hai liên tiếp, đồng thời giá bán cũng hạ nhiệt so với mức kỷ lục của tháng trước.
Mặt khác, dữ liệu của IHS Markit cho thấy, tăng trưởng hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 8 tiếp tục chậm do hạn chế về lao động, thiếu hụt nguồn cung và tình hình dịch bệnh. Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống mức 55,4, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, từ mức 59,9 của tháng 7.
Theo giới phân tích, bức tranh phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng song không đủ mạnh để đảm bảo sự thay đổi trong chính sách tiền tệ ôn hòa hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thị trường tuần này sẽ hướng tới sự kiện quan trọng là Hội nghị Jackson Hole, sẽ được triệu tập tại Wyoming vào cuối tuần này. Các bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra manh mối liên quan đến tiến trình thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng mạnh trong phiên đêm qua, với S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Giá dầu thô tăng cao do nhu cầu dự kiến tăng cũng giúp cổ phiếu năng lượng tăng vọt. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures, Nasdaq Futures cũng đang nới rộng đà tăng.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones tăng 280,29 điểm (+0,8%), lên 35.400,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 45,16 điểm (+1,02%), lên 4.486,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 236,27 điểm (+1,61%), lên 14.950,94 điểm.
Chứng khoán châu Âu phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần sau tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 6 tháng. Thị trường nhận được hỗ trợ từ cổ phiếu khai khoáng và năng lược nhờ giá hàng hóa hồi phục sau những tổn thất nặng nề do những đồn đoán không chắc chắn xung quanh chính sách tiền tệ của Mỹ và dịch bệnh lây lan.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,12 điểm (+0,03%), lên 7.109,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 44,75 điểm (+0,28%), lên 15.852,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 56,99 điểm (+0,86%), lên 6.683,10 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng được phủ xanh sau tuần giao dịch tồi tệ trước đó. Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh nhờ lực mua bắt đáy, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng trong phiên cuối tuần trước.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi nước này báo cáo không có ca nhiễm Covid-19 mới nào lần đầu tiên sau một tháng.
Chứng khoán Hồng Kông hồi phục từ mức thấp nhất gần 10 tháng vào tuần trước nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng gần 1%, được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ và dữ liệu xuất khẩu tích cực.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 480,99 điểm (+1,78%), lên 27.494,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 49,80 điểm (+1,45%), lên 3.477,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 259,87 điểm (+1,05%), lên 25.109,59 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 29,70 điểm (+0,97%), lên 3.090,21 điểm.
Giá vàng đêm qua tăng vọt lên trên ngưỡng cản tâm lý 1.800 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD yếu hơn, nền kinh tế nước Mỹ cho thấy dấu hiệu phục hồi chậm lại và do đó Fed có thể chưa thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, giá vàng tăng một phần do ảnh hưởng từ tình hình hỗn loạn tại Afghanistan kể từ khi Taliban kiểm soát.
Kết thúc phiên 23/8, giá vàng giao ngay tăng 24,80 USD (+1,39%), lên 1.805,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 22,20 USD (+1,25%), lên 1.804,00 USD/ounce.
Sau 7 phiên liên tiếp lao dốc, giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do đồng USD yếu hơn và thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc.
Ngoài ra, nhu cầu nhiên liệu được kỳ vọng sẽ trở lại khi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, hôm 13/8 tuyên bố khống chế được làn sóng dịch bệnh mới sau 1 tháng áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Kết thúc phiên 23/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,50 USD (+5,60%), lên 65,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,57 USD (+5,50%), lên 68,75 USD/thùng.