Thu hồi hơn 25.000 tỷ đồng sai phạm
Ông Lượng cho biết, năm 2013 vừa qua, theo đề xuất của cơ quan thanh tra, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự.
Trả lời báo chí về một số cuộc thanh tra đã tiến hành từ lâu nhưng kết quả chưa được công bố, ông Lượng xác nhận việc chậm công bố kết luận thanh tra về quản lý thị trường vàng, thanh tra tại Ngân hàng NN&PTNT và cho rằng, vì tính nhạy cảm của đối tượng thanh tra, cơ quan thanh tra phải lắng nghe, thẩm tra thông tin nhiều chiều để đảm bảo tính khách quan, chính xác rồi mới công bố.
Đề cập đến hoạt động của ngành trong năm 2013, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp, Thanh tra Chính phủ cho rằng, năm qua là một năm bận rộn của ngành với 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua đó, đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653 héc-ta đất…; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân...
Đặc biệt, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.990 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.428/14.231 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,3%).
Ông Trần Đức Lượng cho rằng, kết quả xử lý “hậu thanh tra” đạt 66,3% trong năm 2013 là một dấu ấn lớn trong hoạt động của toàn ngành, nếu biết rằng kết quả này trong năm 2012 chỉ đạt trên 40%.
Cũng trong năm qua, theo ông Lĩnh, ngành Thanh tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, với số tiền 354 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, đã thu 299,6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng.
Qua tổng hợp báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 cho thấy, có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.
Về chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, ông Lĩnh cho biết, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Tập trung vào lĩnh vực nóng
Tuy nhiên, trong công tác phòng chống tham nhũng, dù đánh giá lĩnh vực này đã đạt được những tiến bộ tích cực, nhưng ông Lượng cũng thừa nhận, kết quả so với mong muốn của nhân dân chưa đạt yêu cầu; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương trong công tác này chưa tốt ...
Trong năm 2014 tới đây, ông Lượng cho biết, cơ quan thanh tra sẽ tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, tổ chức biên chế, thu chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng cao.
“Công tác thanh tra sẽ gắn thanh tra theo kế hoạch với thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về bố trí nguồn vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ”, ông Lượng nói.