Tại cuộc họp báo quý IV/2015 do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng nay 7/1, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết, trong 25 ngày Thanh tra Chính phủ đặt điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo về tham nhũng, tiêu cực, đã có 329 cuộc điện thoại, tin nhắn gửi đến.
Các cuộc điện thoại và nhắn tin người dân báo đến chủ yếu là 2 số máy điện thoại di động do Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng trực tiếp cầm. Các nguồn tin ở 27 địa phương và 12 bộ, ngành phản ánh sai phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng.
Nội dung phản ánh nhiều là đất đai và khoáng sản, sau đến lĩnh vực thuế ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ. Tiếp đến là các lực lượng của các cơ quan công quyền trực tiếp xử lý vụ việc có liên quan đến người dân có dấu hiệu mãi lộ và nhận hối lộ, ví dụ như cảnh sát giao thông, kiểm lâm, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, thuế vụ. Nội dung tiếp theo được phản ánh là chuyện chạy việc, xuất nhập khẩu và cuối cùng là thực hiện chính sách xã hội xóa đói giảm nghèo, xây dựng các dự án...
Nội dung phản ánh nhiều là đất đai và khoáng sản, sau đến lĩnh vực thuế ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ
Cũng theo ông Đạt, trong số nguồn tin phản ánh gửi về Cục, có 40 nguồn tin (chiếm 15%) phản ánh có cơ sở về dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng của Cục Phòng, chống tham nhũng.
"Chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu, thu thập, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu thuộc chức năng của Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất thanh tra, còn nếu thuộc cơ quan chức năng khác thì chuyển và phối hợp xử lý. Hiện có 6 nguồn tin đang làm. Các tin báo đó có thể trở thành hiện thực khi chúng tôi đề xuất với Tổng Thanh tra tiến hành thanh tra", Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết.
Ngoài ra, có 120 tin (chiếm khoảng 30%) phản ánh có dấu hiệu sai phạm tiêu cực, tham nhũng, không thực hành tiết kiệm thuộc các ngành và địa phương, đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và xin cung cấp thêm tài liệu để trao đổi, phản ánh với các ngành, địa phương xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Sẽ có bộ phận chuyên tiếp nhận tin báo
Theo ông Đạt, việc đặt đường dây nóng nhận tin báo là giải pháp để thu thập nhiều nguồn tin thực tế nhất, giúp cho việc nghiên cứu và đề ra giải pháp tham mưu, phục vụ cho quản lý nhà nước một cách tốt hơn, bởi chỉ có người dân mới biết được cụ thể nhất sự việc cơ quan, đơn vị và địa phương của mình.
"Hiện nay, máy điện thoại của tôi có thể phải nghe suốt ngày suốt đêm, tôi vẫn chấp nhận" - Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt
Khi thu thập được nguồn tin đa dạng từ người dân, thì sẽ giúp phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ.
Cục trưởng Đạt khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện đường dây nóng để nhận tin báo về tham nhũng, tiêu cực.
"Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho Tổng Thanh tra xây dựng bộ phận chuyên môn tiếp nguồn tin, như Bộ Công an có bộ phân chuyên tiếp nhận và xử lý nguồn tin về tố giác tội phạm. Còn hiện nay, máy điện thoại của tôi có thể phải nghe suốt ngày suốt đêm, tôi vẫn chấp nhận", ông Đạt nói.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong trong 5 năm (2011 - 2015), đã phát hiện vi phạm trên 265.000 tỷ đồng, trên 310.000 héc-ta đất. Kiến nghị thu hồi trên 135.000 tỷ đồng, 25.000 héc-ta đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 39.000 tỷ đồng; xử lý khác gần 130.000 tỷ đồng, 294.000 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.738 tập thể, 22.700 cá nhân. Chuyển cơ quan điều tra 351 vụ, 397 đối tượng.
So với nhiệm kỳ trước thì kết quả thanh tra phát hiện vi phạm về tiền tăng gấp 3,5 lần; xử lý vi phạm đối với cá nhân tăng gấp 2 lần; xử lý sau thanh tra tăng tỷ lệ thực hiện từ trên 30% lên gần 68%