Đất công nghiệp vẫn "nóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh thị trường năm 2023 đã có nhiều khác biệt, thách thức cũng xuất hiện nhiều hơn, song cơ hội được nhìn nhận vẫn rộng mở với các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp.

Việt Nam có cơ hội thu hút nhà đầu tư Trung Quốc

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành miền Bắc, Frasers Property
Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành miền Bắc, Frasers Property

Việt Nam vẫn là quốc gia nổi bật trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là điểm đến ưa thích trong xu hướng dịch chuyển đầu tư từ bên ngoài vào. Trên thực tế, nhiều linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính… được sản xuất ở Việt Nam đang chiếm phần lớn trong rổ hàng nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới, qua đó phần nào khẳng định được vị thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ - điện tử.

Chúng ta đã và đang làm khá tốt việc thu hút FDI, nhưng cần tiếp tục quan sát và điều chỉnh đối với làn sóng đầu tư tiếp theo, bởi dù đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà sản xuất quốc tế, nhưng trong khu vực không chỉ có mỗi Việt Nam, mà còn nhiều quốc gia khác cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ.

Tôi muốn nói thêm về Trung Quốc, quốc gia này vẫn đang là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới và họ sẽ còn giữ vị thế này trong vài ba thập kỷ tới. Đây cũng là một thị trường khổng lồ và nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhu cầu dịch chuyển sang Việt Nam, do đó chúng ta có cơ hội thu hút nhóm nhà đầu tư này.

Với Việt Nam, nhà đầu tư Trung Quốc dịch chuyển sang chủ yếu tận dụng các hiệp định thương mại tự do để vừa cung cấp ngược lại thị trường nội địa, vừa để xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với Trung Quốc trong thu hút FDI do giá nhân công còn tương đối rẻ, chi phí hoạt động của doanh nghiệp nghiệp cũng cạnh tranh hơn.

Môi trường đầu tư phát triển khu công nghiệp ngày một thuận lợi hơn

Bà Vincy Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh, KCN Việt Nam
Bà Vincy Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh, KCN Việt Nam

Nhiều nhà sản xuất nước ngoài lớn lĩnh vực công nghệ - điện tử như Foxconn, Luxshare, Goertek, Samsung, LG… cùng các đơn vị cung ứng khác đã và đang dịch chuyển đến Việt Nam, tạo cơ hội cho ngành công nghiệp trong nước nói chung, bất động sản công nghiệp nói riêng phát triển hơn trong thời gian tới.

KCN Việt Nam cũng đang nhận được khá nhiều yêu cầu thuê kho xưởng từ khách hàng là nhà cung cấp của các công ty thuộc ngành điện tử và linh kiện ô tô (đến từ cả khách hàng mới và khách hàng cũ có nhu cầu mở rộng).

Về cơ chế thu hút đầu tư, chúng tôi cho rằng, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp thông qua nhiều chính sách mới như ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về phân kỳ đầu tư khu công nghiệp, bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập và mở rộng khu công nghiệp. Việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp.

Chưa kể, việc tập trung hoàn thiện hệ thống đường cao tốc, kết nối hạ tầng… cũng là một trong những điểm sáng giúp nâng cao uy tín của Việt Nam dưới góc nhìn là một điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực ASEAN, từ đó tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thị trường logistics tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt

Ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp tại Việt Nam
Ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp tại Việt Nam

Tại châu Á, Việt Nam là một quốc gia giàu triển vọng phát triển bất động sản logistics. Thực tế cho thấy, quốc gia nào hướng theo làn sóng gia tăng hoạt động sản xuất thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều hàng hóa đang được lắp ráp, chế biến, chế tạo trong các nhà xưởng. Từ đó, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa sẽ tăng theo, từ các nhà xưởng tới các khu hậu cần như cảng biển, sân bay... Bởi vậy, các dự án nhà kho hiện đại đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng của thị trường, giúp nâng cao mức độ hiệu quả trong công tác vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Chúng tôi khá lạc quan về thị trường logistics trong nước, khi Việt Nam tiếp tục trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng tại khu vực châu Á. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của khách nội địa cũng gia tăng, tạo động lực cho hoạt động sản xuất tăng trưởng, từ đó nhu cầu về nhà kho cũng sẽ hưởng lợi, vì những dự án này đóng vai trò như các trạm trung chuyển, giúp doanh nghiệp vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào hay các thành phần sản xuất tới nhà xưởng, nhà kho cũng như các địa điểm nhập khẩu. Đây là lý do chúng tôi tự tin rằng, thị trường logistics tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển ngành sản xuất, đặc biệt đối với các khối ngành có giá trị gia tăng cao. Do đó, các dự án nhà kho xây sẵn cần phải cải thiện hơn nữa cả về chất và lượng để đáp ứng nhu cầu lớn trong tương lai.

Các chiến dịch “trải thảm đỏ” cần đi vào giải pháp cụ thể

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Colliers Việt Nam
Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Colliers Việt Nam

Là tài sản phòng thủ được đánh giá cao, bất động sản khu công nghiệp (nhà máy, kho bãi, hậu cần…) được dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khu đất phù hợp cho từng đối tượng khách thuê lại không dễ dàng, cho dù quỹ đất phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam không thiếu.

Một trong những lý do cầu vượt cung là do nguồn cung đất cho thuê trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của khách thuê về vị trí, diện tích, hạ tầng đi kèm, thời hạn thuê... Ngay cả khi đã có quy hoạch hay chủ trương đầu tư, nhiều dự án vẫn vướng thủ tục đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng) khiến thời gian xây dựng bị kéo dài, làm tăng chi phí phát triển dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất đến từ những thị trường phát triển ngày càng quan tâm hơn đến hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp nói chung, các tiêu chí về phát triển bền vững như hạ tầng kỹ thuật, xử lý phát thải, khu dân cư, nhà ở cho công nhân và chuyên gia… nói riêng.

Theo tôi, vấn đề cấp phép, chính sách ưu đãi đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác được khách thuê đặc biệt lưu tâm. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong khu vực ngày một lớn, các chiến dịch “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư của Việt Nam cần đi vào giải pháp cụ thể, hành động thực tiễn từ địa phương, tạo điều kiện sẵn sàng để nhà đầu tư rót vốn nhanh và triển khai dự án hiệu quả nhất có thể.

Lợi thế nghiêng về thị trường phía Bắc

Ông Nguyễn Minh Huân, Giám đốc Kinh doanh Bất động sản khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam
Ông Nguyễn Minh Huân, Giám đốc Kinh doanh Bất động sản khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam

Năm 2023 đến cùng với nhiều biến số tác động lên thị trường bất động sản nói chung, bất động sản khu công nghiệp nói riêng và diễn biến thị trường thời gian qua phần nào cho thấy điều này, khi nhu cầu tìm thuê đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi đã giảm đáng kể. Theo đó, dự báo xu hướng chủ đầu tư dự án khu công nghiệp trong năm nay sẽ tập trung vào việc duy trì sản xuất - kinh doanh, hơn là mở rộng đầu tư hay phát triển dự án mới. Theo xu thế chung đó, TNI Holdings Vietnam cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất sạch để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.

Hiện nay, thách thức là không nhỏ đối với cả chủ đầu tư lẫn đơn vị quản lý, phát triển bất động sản khu công nghiệp khi nhu cầu thuê sụt giảm, bởi dù chưa có doanh thu từ hoạt động cho thuê, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp để sẵn sàng đón khách thuê.

Điểm tích cực là thị trường khu công nghiệp Việt Nam được nhận định rằng sẽ hưởng lợi từ làn sóng “Trung Quốc +1” nhờ sở hữu nhiều lợi thế, đặc biệt đối với khu vực phía Bắc. Theo đó, ngoài các yếu tố như chi phí nhân công cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi…, chất lượng cơ sở hạ tầng khu vực này cũng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, giá cho thuê đất khu công nghiệp cũng “mềm” hơn so với phía Nam.

Tin bài liên quan