Các doanh nghiệp xuất khẩu đang trong tình trạng đói đơn hàng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang trong tình trạng đói đơn hàng.

Đặt chỉ tiêu thấp, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn khó về đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn năm ngoái, nhưng nhiều doanh nghiệp xác định vẫn khó hoàn thành.

Dệt may là một trong những ngành đang “ngấm đòn” từ lạm phát toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đói đơn hàng là tình trạng chung của doanh nghiệp ngành này. Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, đến thời điểm này mới nhận được khoảng 80% đơn hàng cho quý II và khoảng 65% đơn hàng cho quý III.

Trong 4 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu 47,26 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3,757 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Nếu không có khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng gần 1,2 triệu cổ phiếu SAV, lợi nhuận 4 tháng của TCM còn giảm mạnh hơn.

Hội đồng quản trị TCM đã thông qua mục tiêu kinh doanh năm nay với doanh thu 4.364 tỷ đồng, lợi nhuận 274 tỷ đồng, tương ứng tăng 1% về doanh thu và giảm 2% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022. Dù vậy, khi được hỏi về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh này, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, “khả năng TCM khó cán đích kế hoạch đề ra”.

“Khi họp đưa ra mục tiêu kinh doanh năm 2023, Ban lãnh đạo TCM nhận định tình hình nửa cuối năm của ngành dệt may sẽ khả quan, nhưng hiện nay gần hết tháng 5, lạm phát ở các thị trường lớn như Mỹ, EU chưa có dấu hiệu dừng lại, đơn hàng xuất khẩu vẫn thiếu”, ông Tùng giải thích.

Năm nay, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn, với doanh thu công ty mẹ 1.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hơn 487 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và giảm 47% so với thực hiện của năm ngoái.

Quý I, Công ty ghi nhận doanh thu 419,02 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 23% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 215,27 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 39% kế hoạch năm. Quý II, PHR đặt mục tiêu tổng doanh thu công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 75,4 tỷ đồng.

Dù đặt chỉ tiêu thấp hơn nhiều và 2 quý đầu năm ước tính ghi nhận trên 270 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương trên 50% kế hoạch cả năm, song lãnh đạo PHR nhận định vẫn khó về đích kế hoạch năm vì thị trường vẫn chưa hết khó khăn.

Tại Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL), quý đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt gần 544 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế lại âm 39 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 23,3 tỷ đồng). Theo giải trình của Công ty, “do biến động giá nguyên liệu thép cán nóng làm cho chi phí sản xuất biến động nên lợi nhuận kỳ này giảm sâu so với kỳ trước”.

Đến thời điểm này, Đại Thiên Lộc mới công bố ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 là 26/5/2023. Thời gian tổ chức đại hội chỉ được công bố chung chung là… trong tháng 6. Công ty cũng chưa công bố dự thảo tài liệu trình đại hội.

Tại cuộc họp cổ đông mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Vinacap Kim Long (mã VTE) thẳng thắn thừa nhận kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm 2022 và quý I/2023 chưa tốt do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Quý đầu năm, Công ty báo lỗ hơn 800 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 236 triệu đồng.

Để giải quyết khó khăn, Công ty đã phải cắt giảm một nửa nhân sự, cắt giảm diện tích thuê nhà xưởng. Lãnh đạo Công ty thừa nhận, “nếu không cắt giảm Công ty sẽ lỗ tiếp”. Thị trường cáp đang ở giai đoạn bão hòa, các nhà cung cấp đua nhau chào giá thấp. Giá chào thầu của các hợp đồng VNPT vừa qua nếu Vinacap Kim Long làm thì sẽ lỗ từ 10 - 20%. Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra với doanh thu 445,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,63 tỷ đồng, Công ty đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, phát triển sản phẩm mới.

Khó khăn là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp và để cầm cự, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh cắt giảm chi phí.

Tin bài liên quan