Hệ lụy xấu
Các hoạt động của tín dụng đen rất đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu ở hình thức cho vay nặng lãi, bốc bát họ… thông qua việc cho vay tiền mặt, mua nợ vật tư nông nghiệp, hoặc hàng hóa phục vụ sinh hoạt.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, thực tế khảo sát 7 tỉnh thành phố (Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai) cho thấy, có hai nhóm đối tượng thường tiếp cận các hình thức cho vay tín dụng đen. Nhóm thứ nhất là người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá; nhóm thứ hai là những người có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng.
Thời gian qua, tình hình tín dụng đen diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn cả nước. Điều khiến người dân vô cùng bức xúc đó là hầu hết các đường dây liên quan đến tín dụng đen đều có sự tham gia hoặc có dính dáng đến các băng nhóm giang hồ núp bóng dưới mác các công ty tài chính. Các hoạt động của các nhóm đối tượng này đã tạo ra nhiều hệ lụy, gây ra bất ổn xã hội, gây tâm lý hoang mang cho người dân, gây mất an ninh trật tự.
Đại tá Phan Thanh Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, liên quan đến nạn tín dụng đen hoành hành, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có đến 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, với trên 9.000 người vay. Đáng nói, các đối tượng bằng các chiêu trò “thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần cầm cố tài sản, giấy cho vay không có người làm chứng, công chứng” nên dễ dàng lôi kéo người vay, gây khó khăn trong việc quản lý của cơ quan chức năng.
Cũng theo lãnh đạo công an tỉnh Gia Lai, vào cuối tháng 12/2018, Công an tỉnh Gia Lai đã xóa sổ tụ điểm cho vay nặng lãi của Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (TP. Pleiku), bắt 7 đối tượng và khám xét 4 chi nhánh của công ty này. Nhất Tín Phát có các địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bình Định, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… nhiều món vay của tổ chức này có lãi suất lên đến 144%/năm và vì thế, theo thống kê của ngành công an, hàng ngàn người đã trở thành nạn nhân của công ty này. Bằng việc núp bóng mua bán, cho thuê ôtô, xe máy… Công ty Nhất Tín Phát đã tạo ra số lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tìm giải pháp căn cơ
Có thể nói, việc các lực lượng công an tiến hành truy quét các băng nhóm xã hội đen thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…trên bình diện cả nước trong thời gian qua đã phần nào hạn chế bớt vấn nạn tín dụng đen. Tuy vậy, giải pháp căn cơ vẫn là tạo cơ chế giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn được dễ dàng hơn, thuận tiện hơn.
Về phía ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để đáp ứng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng còn gặp một số khó khăn, khi đối tượng vay có thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ; Ngoài ra, đó còn do phần lớn người dân (ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa) ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức tín dụng, sản phẩm thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng.
Đáng chú ý, tại các tỉnh đang nở rộ hoạt động của loại hình công ty cung cấp dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ, mặc dù được cấp phép hoạt động, nhưng công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này chưa chặt chẽ, dẫn đến các công ty này biến tướng thành hoạt động cho vay nặng lãi…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, trước thực trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
“NHNH cũng đề xuất Bộ Công an tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen, các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen; phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, cơ sở hiệu cầm đồ; cần đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Phạm Minh Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO; và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.