Trong tranh chấp bảo hiểm, việc đưa nhau ra tòa là cực chẳng đã

Trong tranh chấp bảo hiểm, việc đưa nhau ra tòa là cực chẳng đã

“Đáo tụng đình” 2022 của lĩnh vực bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo thống kê từ website https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án nhân dân Tối cao về số bản án lĩnh vực bảo hiểm có thể thấy số lượng không nhiều, nhưng khá đa dạng về hình thức vụ việc.

Khiếu kiện đòi bồi thường là chủ yếu

Dựa vào các bản án được công bố (từ 1/1 đến 24/11/2022), có thể thấy, tranh chấp bảo hiểm dẫn đến khiếu kiện thường liên quan đến việc chậm nộp phí bảo hiểm, hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất; xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm… ở cả mảng bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu; bảo hiểm xe cơ giới…

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tranh chấp có thể xuất phát từ các bên: Doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm thì chưa nhận thức đầy đủ về bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm; những văn bản pháp quy về bảo hiểm và các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm còn lỏng lẻo, tạo ra những kẽ hở…

Xét trên số lượng bản án công bố tại thời điểm trên, cả nước có 17 bản án, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm bị xử thua 14 vụ, tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là gần 12,4 tỷ đồng, tổng số tiền công ty bảo hiểm thua kiện phải bồi thường là gần 11,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngoài việc vướng khiếu kiện nhiều nhất năm 2022, Bảo hiểm Bảo Minh cũng là công ty bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận có số tiền đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất trong năm (tại vụ việc tranh chấp tàu, số tiền yêu cầu chi trả là gần 3,3 tỷ đồng). Bảo hiểm Bảo Việt đứng thứ 2 trong khối phi nhân thọ về số vụ kiện (4 vụ) và kết quả là thua 3 vụ và thắng 1 vụ.

Tại khối nhân thọ, AIA Việt Nam và Aviva Việt Nam là 2 cái tên bị tòa án “gọi” nhiều nhất trong năm 2022 và vụ kiện đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất năm thuộc về AIA Việt Nam (phải trả cho khách hàng số tiền hơn 531 triệu đồng).

Cần nhắc lại là con số thống kê kể trên là các vụ tranh chấp được mang ra cấp tòa, khởi kiện và đã có bản án dựa trên thống kê của Toà án nhân dân Tối cao, được tổng hợp bởi ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, chứ không phải là số vụ tranh chấp bảo hiểm nói chung trên toàn thị trường. Doanh nghiệp bảo hiểm đều là bị đơn (bị bên mua bảo hiểm kiện) trong các vụ kiện này.

Không có khởi kiện về bancassurance, dù nhiều tranh chấp

Theo ông Lương Văn Ban, năm 2022, trên website của Tòa án nhân dân Tối cao không hiển thị vụ khởi kiện nào về bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), nhưng số ca tranh chấp “nhiều như cơm bữa”.

Mới nhất, có 1 khách hàng mua bảo hiểm khởi kiện 1 công ty bảo hiểm phi nhân thọ ra Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), còn ngân hàng là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng vụ việc đang trong quá trình tiếp cận hồ sơ, hòa giải. Tòa thụ lý hồ sơ ngày 18/10/2022.

Lý do các vụ tranh chấp về bancassurance chỉ dừng ở mức khiếu nại, chưa đưa ra tòa án là do các bên tự thỏa thuận (bên mua bảo hiểm, ngân hàng, công ty bảo hiểm, người mua bảo hiểm), có vụ có thể có thêm công ty bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Việc tham gia của những chuyên gia am hiểu pháp lý bảo hiểm đã giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, góp phần mang lại niềm tin cho thị trường.

Đại diện Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, từ đầu năm tới nay, riêng văn phòng luật này tiếp nhận 20 đơn đề nghị hỗ trợ pháp lý từ khách hàng là bên mua bảo hiểm khiếu nại ngân hàng, công ty bảo hiểm. Trong đó, gần đây nhất nhận hỗ trợ 4 vụ việc, kết quả là có 2 vụ hủy hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa bên mua và bên bán bảo hiểm, bên bán đồng ý hoàn tiền phí bảo hiểm cho bên mua, 1 vụ bên mua không có căn cứ chứng minh sai phạm của bên bán bảo hiểm.

Ông Ban cho biết, có nhiều hồ sơ của bên mua bảo hiểm thiếu chứng cứ chứng minh bên bán sai phạm và hầu hết đều không được tổ chức chuyên đi đòi bảo hiểm nhận hỗ trợ bởi khả năng đòi được tiền bồi thường rất thấp.

Thông qua các vụ tranh chấp mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng nói riêng, tranh chấp bảo hiểm nói chung trên thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm cùng đơn vị tư vấn pháp lý cho rằng, ngoài nâng cao trách nhiệm tư vấn của bên bán bảo hiểm thì bên mua cũng cần tự trang bị kiến thức về bảo hiểm, tài chính để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

Bỏ quy định về trọng tài bảo hiểm

Thực tế, bảo hiểm là lĩnh vực phức tạp, cần những người có chuyên môn, giàu kinh nghiệm mới có thể phân tích đúng sai, định hướng các bên trong quá trình hòa giải. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong bối cảnh người mua bảo hiểm gặp khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, cần sớm triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, thương lượng tại trung tâm hòa giải bảo hiểm thuộc quản lý của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Hòa giải viên là những người có chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm, có uy tín trong ngành.

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội, trung tâm hòa giải cần gắn với cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) để Nhà nước có thể nắm được thông tin vụ việc, kiểm tra và xử lý sai phạm. Kết quả xử lý sai phạm giúp các cơ quan tài phán có thể lấy làm căn cứ giải quyết vụ việc. Việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm có giá trị nhỏ mà phải đưa ra trung tâm trọng tài xử lý và ra phán quyết dễ khiến bên khởi kiện là cá nhân mua bảo hiểm nản lòng, nên việc ra đời các trung tâm hòa giải là cần thiết, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí không cần thiết.

Nhiều nước trên thế giới cũng có cơ chế hỗ trợ các bên thương lượng, hòa giải tại trung tâm hòa giải tranh chấp bảo hiểm do nhà nước hoặc một tổ chức phi chính phủ quản lý. Chẳng hạn, tại Pháp, về hòa giải trong các vấn đề bảo hiểm, các thủ tục do thanh tra bảo hiểm xử lý. Hệ thống hòa giải này là bắt buộc đối với các công ty bảo hiểm là thành viên của Liên đoàn Bảo hiểm Pháp. Thanh tra bảo hiểm là độc lập, người này có thể can thiệp vào các tranh chấp phát sinh giữa doanh nghiệp bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, thậm chí cả người mua bảo hiểm.

Việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm thông qua cơ quan quản lý kinh doanh bảo hiểm rất phổ biến trên thế giới và ngày càng phát huy hiệu quả khi người dân được trực tiếp phản ánh những sai phạm, gửi khiếu nại qua cổng thông tin điện tử quốc gia. Ví dụ, tại Mỹ, Hiệp hội Các ủy viên bảo hiểm Quốc gia cho phép người dân có thể gửi khiếu nại theo mẫu có sẵn qua website của Hiệp hội. Tất cả những thông tin, số liệu thống kê liên quan tới lý do khiếu nại, loại hình bảo hiểm khiếu nại hay tỷ lệ khiếu nại đã giải quyết đều được công khai, minh bạch.

Lý do Việt Nam hiện chưa có trung tâm hòa giải, theo ông Sơn, có thể do quan điểm Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ có chức năng hành pháp, không có chức năng tư pháp.

Tại những phiên bản dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đầu tiên, quy định về trọng tài bảo hiểm từng được đưa vào để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Cụ thể, trọng tài bảo hiểm là phương thức giải quyết tranh chấp theo vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do các bên thỏa thuận theo nguyên tắc công khai, độc lập, khách quan và tuân theo quy định của pháp luật bảo hiểm. Trung tâm trọng tài bảo hiểm được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trọng tài bảo hiểm. Thế nhưng, cuối cùng, quy định này không được đưa vào Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.

Tin bài liên quan