Môi giới bất động sản là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Môi giới bất động sản là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Đào thải khốc liệt với môi giới địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 lần thứ tư “càn quét”, khiến nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch, môi giới bất động sản khó khăn chồng chất.

Môi giới “ngắc ngoải” vì dịch

“Dịch bệnh khiến cho 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động” là con số được ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Vietnam, doanh nghiệp chuyên tư vấn phát triển, tiếp thị và phân phối dự án, đưa ra khi nói đến bức tranh chung của các doanh nghiệp môi giới bị ảnh hưởng do Covid-19.

Riêng trong 3 tháng gần đây, ông Lâm cho biết, có đến 50% doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%. Đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao.

Theo ông Lâm, giãn cách xã hội khiến tất cả các doanh nghiệp môi giới bất động sản không thể gặp mặt, tiếp xúc, tổ chức sự kiện nên không có nguồn khách hàng. Các cơ quan nhà nước, phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai… cũng ngưng hoạt động nên hầu như không thể hoàn thành thủ tục giao dịch.

Nghề sale giống như đi câu cá. Buông cần lâu quá, mãi không có cá cắn câu thì sẽ chán nản và đói; nếu kéo dài thì người môi giới sẽ chuyển công ty hoặc bỏ nghề.

“Mặc dù doanh thu giảm mạnh, thậm chí không có, nhưng chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng vẫn phải trả. Hơn nữa, dòng tiền của các chủ đầu tư cũng eo hẹp nên các sàn khó thu hồi công nợ. Hoạt động kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ, nhân viên không có thu nhập, dẫn đến việc rời bỏ công ty”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group (đơn vị tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng) ví von: “Nếu coi nền kinh tế là gốc rễ, thì các doanh nghiệp phát triển bất động sản là thân cây, các sàn giao dịch bất động sản là cành cây; còn các nhà môi giới là phần lá. Khi cây bị tổn thương thì bộ phận chịu tổn hại nhanh nhất, dễ héo úa nhất chính là lá”.

Theo ông Tuyển, hiện nay, cung - cầu trên thị trường bất động sản vẫn lớn, nhưng không có thanh khoản. Dòng tiền bị đứt gãy, công nợ về chậm, doanh thu không có… khiến các sàn giao dịch gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí. “Tiền chưa về, nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thanh toán nhiều khoản chi phí khác. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn”.

Ông Tuyển thông tin thêm, hiện chỉ khoảng 20% số sàn giao dịch bất động sản là có tích luỹ, có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, có nhân sự ổn định, chuyên nghiệp. Trong thời gian này, họ tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn hậu Covid-19 như: chuẩn bị sản phẩm; tuyển dụng, đào tạo nhân viên; đẩy mạnh thu hồi công nợ; đẩy mạnh phát triển công nghệ…

Bình “ô xy” hữu hiệu

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN Group, doanh nghiệp môi giới có trang web Cengroup.vn cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi ngóc ngách trong cuộc sống, bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế này. Chưa bao giờ ứng dụng mua sắm online lại phát triển mạnh như thời gian qua. Những buổi mở bán online trong lĩnh vực bất động sản trở nên quen thuộc, thu được nhiều kết quả vượt trội so với trước.

Tác động tiêu cực của Covid-19 khiến cho tiến độ ứng ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng được cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh hơn bình thường, đây được coi là một giải pháp tốt để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

“Khách hàng hiện nay được tiếp cận nhiều thông tin, trở thành nhà đầu tư, tiêu dùng thông minh hơn. Biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, hành vi khách hàng”, ông Hưng chia sẻ.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group tỏ ra quan ngại các môi giới viên khó duy trì năng lượng trong thời gian dài. Khác với việc bán những món hàng khác có thể xoay xở tiếp cận, thuyết phục khách hàng qua hình thức online, bất động sản là tài sản lớn, người mua không dễ đưa ra quyết định, mà cần quan sát kỹ trong thực tế.

“Nghề sale giống như đi câu cá. Buông cần lâu quá, mãi không có cá cắn câu thì sẽ chán nản và đói, nếu cứ kéo dài thì người môi giới sẽ chuyển công ty hoặc bỏ nghề", ông Tuyển nói và cho rằng, để “cấp cứu” cho doanh nghiệp môi giới bất động sản, cần 3 bình “ô xy” hữu hiệu.

Một là, được tiêm vắc-xin dịch vụ càng sớm càng tốt để thị trường sớm trở lại bình thường. Các hiệp hội bất động sản, hội môi giới cần có quỹ vắc-xin cho ngành của mình.

Hai là, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT đến cuối 2022. Chính phủ cũng đã có chủ trương giãn, giảm thuế doanh nghiệp, nhưng đối với thuế VAT nếu giãn được về cuối năm mới phải thanh toán một lần thì gánh nặng của các công ty dịch vụ môi giới bất động sản sẽ được giảm đi rất nhiều.

Ba là, kiến nghị Chính phủ sớm áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” cho những người tiêm đủ 2 mũi để hoạt động thương mại, trong đó có bất động sản diễn ra bình thường.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land thì mong mỏi Chính phủ sớm gỡ các nút thắt pháp lý. Theo bà, thị trường đã đối mặt với tình trạng lệch pha cung cầu kéo dài hơn 3 năm nay, doanh nghiệp hy vọng một số luật được điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội đầu tư nhiều dự án mới.

“Đây là yếu tố cơ bản, nền tảng, vì sau đại dịch, các doanh nghiệp bị suy yếu đi nhiều, nên cần có những giải pháp tháo gỡ về thủ tục hành chính, pháp lý một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn mới giúp doanh nghiệp hồi phục thuận lợi”, bà Hương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan