Bảo hiểm liên kết đơn vị hút khách càng đòi hỏi phải tư vấn đúng
Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính. |
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, nhưng doanh số các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng tốt với sự trợ lực đáng kể từ dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Đây là dòng sản phẩm bảo hiểm mà người tham gia sẽ ủy thác cho các công ty quản lý quỹ do nhà bảo hiểm chỉ định để đầu tư giúp cho các khách hàng.
Theo đó, khách hàng không chỉ được bảo vệ tài chính trước rủi ro, mà còn có cơ hội gia tăng tài sản.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khoảng 25% tính trên chỉ số VN-Index, so với đầu năm 2020 thì mức tăng là gần 50%.
Sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán đã giúp giá trị danh mục các quỹ ủy thác đầu tư trong dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị tăng mạnh, làm nức lòng các khách hàng ủy thác.
Đây cũng chính là động lực để các công ty bảo hiểm nhân thọ ráo riết cho ra mắt dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị của riêng mình.
Tuy nhiên, dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị vẫn còn đó nỗi lo dai dẳng từ những ngày đầu triển khai từ hơn 13 năm qua, đó là chất lượng tư vấn thấp.
Năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 135/2012/TT-BTC quy định rất rõ về vấn đề tư vấn cho dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm không được cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng rằng đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chỉ có lợi nhuận và không thua lỗ; không được so sánh hiệu quả đầu tư giữa các quỹ tại các công ty khác nhau... Vậy nhưng, có công ty mà bộ phận đào tạo còn làm luôn các bảng so sánh để đại lý mang đi tư vấn bảo hiểm.
Tư vấn chưa đúng là một thực trạng kéo dài nhiều năm, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều đại lý không có kiến thức nền về tài chính, trong khi dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị có những yêu cầu tư vấn hoàn toàn khác với các dòng sản phẩm bảo hiểm khác.
Khách hàng cần được hoạch định về tài chính tương lai đi kèm với các kịch bản của khoản đầu tư, các kịch bản này phải được giải thích cặn kẽ từ các diễn biến xảy ra trên thị trường đầu tư tài chính cho đến các triển vọng kinh tế vĩ mô, chứ không thể đơn giản chỉ là “công ty em có cho minh họa ba mức lãi suất”!
Không phủ nhận các công ty bảo hiểm cố gắng đào tạo kiến thức nền về tài chính cho các đại lý được cấp quyền phân phối dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, nhưng trình độ ban đầu về tài chính của các đại lý gần như bằng không, nên trải qua khóa đào tạo với các nội dung cơ bản cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Trên thực tế, có những đại lý tư vấn chuẩn dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, biết lý thuyết danh mục, cách tính rủi ro trong đầu tư..., từ đó cho khách hàng biết được việc ủy thác đầu tư có những kịch bản nào trong tương lai, khiến khách hàng hài lòng. Nhưng so với tổng lượng đại lý đang được phân phối dòng sản phẩm này thì tỷ lệ chuẩn vẫn rất thấp.
Giải pháp khả dĩ nhất nhằm khắc phục hiện trạng này là các doanh nghiệp bảo hiểm phải quyết liệt hơn trong việc sàng lọc các đại lý nào được phép triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, đồng thời thực hiện công tác đào tạo với các nội dung bài bản hơn, phù hợp với các nền tảng kiến thức của đại lý.
Cụ thể, đối với các đại lý được triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện sát hạch mỗi năm; đối với các đại lý chưa được triển khai, doanh nghiệp phải phân loại nhóm học viên có và không có nền tảng kiến thức tài chính để mở các lớp đào tạo phù hợp. Và hơn hết, công tác sát hạch cấp quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải thực sự nghiêm túc, không phải cứ có doanh số tốt là được phân phối.
Sửa đổi quy định về đại lý bảo hiểm
Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), quy định về chứng chỉ đại lý bảo hiểm đang được sửa đổi theo hướng tương ứng với từng loại hình nghiệp vụ bảo hiểm và chỉ bao gồm các nội dung kiến thức mang tính ổn định (kiến thức chung, nguyên lý bảo hiểm, kiến thức pháp luật, quyền nghĩa vụ, đạo đức hành nghề).
Điều này hứa hẹn sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đào tạo sản phẩm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc đào tạo hiệu quả, thực chất.
Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc đại lý bảo hiểm chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ đào tạo, đào tạo cập nhật về sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung một số nội dung chuẩn hoá hoạt động phân phối bảo hiểm, qua đó làm rõ bản chất hoạt động đại lý bảo hiểm (là việc giới thiệu, chào bán, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm) theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm; các hoạt động khác như thu phí, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (Khoản 3 và 4, Điều 85, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành).
Hoạt động tuyển dụng, đào tạo, vận hành, quản lý, phát triển đại lý đại lý (công việc của các trưởng ban, trưởng nhóm, các tổng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ) được xác định là các hoạt động thuê ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm và không phải là hoạt động đại lý.
Các hoạt động này do doanh nghiệp bảo hiểm tự chịu trách nhiệm và bảo đảm theo các yêu cầu về hoạt động thuê ngoài.
Dự thảo yêu cầu công khai, minh bạch tất cả quyền lợi của đại lý bảo hiểm, gồm hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác (nếu có) tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định rõ tại quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; bổ sung các quy định để nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý bảo hiểm và bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm như đại lý bảo hiểm phải tuân quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp do Hiệp hội Bảo hiểm ban hành, tiêu chuẩn hoạt động đại lý do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành; doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đào tạo, đào tạo cập nhật sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm; tăng cường chế độ báo cáo việc đào tạo và việc sử dụng đại lý bảo hiểm; sửa đổi các quy định về hành vi bị cấm đối với đại lý bảo hiểm để sau này đưa ra các chế tài phù hợp.